Trách nhiệm trồng rừng không của riêng ai
Xã hội hoá trồng rừng còn khó khăn
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng 14,8 triệu héc-ta rừng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,13 triệu héc-ta, còn lại 4,66 triệu héc-ta là diện tích rừng trồng.
Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng như hỗ trợ vốn vay, đẩy mạnh các mô hình hợp tác liên kết, đồng thời đa dạng hoá nguồn lực đến từ nguồn quỹ quốc tế và trong nước.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã huy động được 50.231 tỷ đồng để phát triển rừng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 8.746 tỷ đồng (chiếm 17%), vốn ODA và các nguồn vốn khác chiếm khoảng 41.485 tỷ đồng (chiếm 83%).
“Xã hội hoá trồng rừng nên được hiểu là sự tham gia của các thành phần kinh tế trong trồng rừng. Bên cạnh đó cần có cơ chế ràng buộc và bảo đảm hài hoà yếu tố lợi ích để các bên cùng thực hiện...” - Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá
Từ năm 2021 đến nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ trồng rừng chiếm khoảng 17,4% tổng kinh phí, góp phần phát triển được 121.000ha. Trong khi nguồn vốn xã hội hoá, huy động từ các tổ chức, hộ gia đình cá nhân đã giúp phát triển khoảng 575.00ha (chiếm 82,6% tổng ngân sách).
Dù vậy, theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, công tác xã hội hoá trồng rừng hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hạn chế về đất đai, cơ sở hạ tầng; hạn chế trong kiểm soát giống và kỹ thuật, cũng như mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng còn thấp.
Ở khía cạnh liên quan, ông Hà Đăng Chỉnh - Trưởng phòng nguyên liệu gỗ (Công ty CP Woodsland) cho rằng, khả năng liên doanh, liên kết với chủ thể quản lý rừng của các tổ chức kinh tế hiện nay nhìn chung còn thiếu ổn định. Việc trồng rừng sản xuất cũng mang nhiều rủi ro bởi chu kỳ kinh doanh dài, cùng nguy cơ đến từ các sự cố cháy rừng, thiên tai…
Thu hút nguồn lực phát triển rừng
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA Việt Nam, mối quan tâm của xã hội đến trồng rừng không cao như vấn đề xoá đói giảm nghèo hay giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, góc nhìn này đang dần thay đổi nhờ vào hiệu qủa công tác truyền thông.
“Cần chuyển từ tư duy bảo vệ rừng đơn thuần thành phát triển kinh tế dưới tán rừng để các cộng đồng dân cư có việc làm, sinh kế ổn định, bền vững. Đây là cơ sở để chúng ta phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
“Thời gian qua, GAIA phối hợp với một số doanh nghiệp, chính quyền địa phương, huy động được sự tham gia, ủng hộ của hơn 2.000 người tham gia triển khai dự án phát triển rừng Cà Mau. Chúng tôi cho rằng, việc huy động được càng nhiều thành phần kinh tế tham gia vào trồng rừng càng tốt. Muốn vậy, cần có cơ chế rõ ràng để bảo đảm lợi ích của các bên tham gia…” - Giám đốc điều hành GAIA Việt Nam cho biết.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm huy động xã hội hoá phát triển rừng của 87 quốc gia trên thế giới, TS Phạm Thu Thuỷ - Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế, đã đưa ra một số khuyến nghị dành cho Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh một số giải pháp xu thế chung gồm: chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho cán bộ trong ngành lâm nghiệp; thị trường tín chỉ đa dạng sinh học; chứng khoán, trái phiếu và cổ phiếu rừng.

“Phát triển khoa học có sự tham gia của người dân, phát triển sản phẩm từ rừng có giá trị gia tăng cao, chuyển hướng sang nâng cao nhận thức cho các ngành nắm giữ tài chính đầu tư cho lâm nghiệp là những giải pháp có thể thúc đẩy xã hội hoá trồng rừng tại Việt Nam…” - TS Phạm Thu Thuỷ chia sẻ.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Một trong số các chương trình, hoạt động ưu tiên là thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia các dự án phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng. Đồng thời, phát triển tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp, những mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp bền vững, hiệu quả…
Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu Bộ NN&PTNT hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động các nguồn vốn (đầu tư, hỗ trợ đầu tư, chính sách bảo hiểm, tài trợ quốc tế...). Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp; đồng thời, thúc đẩy liên doanh, liên kết phát triển rừng theo chuỗi giá trị cũng như đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng.
“Chuyên môn, kỹ thuật và đầu tư đúng hướng là những vấn đề mà các doanh nghiệp rất quan tâm khi tham gia phát triển rừng. Việc trồng rừng cũng cần gắn với tạo sinh kế cho người dân, kết hợp truyền thông giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư…” - Bà Ngô Nữ Huyền Trang - Trưởng phòng Đối ngoại phụ trách phát triển bền vững Suntory Pepsico Việt Nam.

Cấp thiết rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp
Kinhtedothi - Yêu cầu cấp thiết hiện nay là 7 huyện, thị xã có rừng của Hà Nội phải khẩn trương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở phân biệt rõ 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), tổ chức cắm mốc giới để quy hoạch phát triển theo đúng chức năng.

Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Trình Chính phủ Nghị định về đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trong tháng 7/2023
Kinhtedothi - Thông báo số 281/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 118/2014/NĐ-CP .