Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đều cho rằng, việc doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội, tăng trưởng xanh sẽ góp phần làm tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, cũng như đó là trách nhiệm từ hai phía của doanh nghiệp và chính quyền, cộng đồng xã hội. Theo PGS.TS. Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, doanh nghiệp đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, giờ đây phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. Tăng trưởng xanh, thực hiện tốt an sinh xã hội đang là xu thế doanh nghiệp chỉ phát triển tốt khi bắt kịp xu thế chung.
Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây tại 50 DN thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã khẳng định nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội của DN” trong đó có an sinh xã hội mà doanh thu của các DN này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao… Vì vậy thực hiện an sinh xã hội chính là đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của DN.Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho rằng, doanh nghiệp thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, tăng năng suất, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy DN thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, DN sẽ tạo ra được một đội ngũ người lao động gắn bó, yêu thích công việc, tự hào về công ty và làm việc hết mình vì lợi ích chung của “đại gia đình”. Tại Hội nghị, từ thực tiễn và hiệu quả mà doanh nghiệp đạt được khi thực hiện tốt chính sách an xinh xã hội và tăng trưởng xanh đã được các doanh nghiệp như Traphaco, Uniliver, Vinacapital… chia sẻ đều cho rằng, thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đó là sự cam kết của trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung.