Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông: Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp mạnh

KTĐT - Ngày 21/3, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố, đánh giá sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT toàn quốc quý I/2012.

Phó Thủ tướng đã chấp thuận triển khai hàng loạt giải pháp nhằm làm giảm tai nạn và UTGT như tăng mức phạt, tăng biên chế CSGT, cấm cán bộ uống rượu, bia...

Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, 3 tháng đầu năm, số vụ TNGT, số người chết có giảm nhưng vẫn ở mức cao. TNGT đường sắt còn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm trật tự ATGT còn phổ biến như: người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ kém chất lượng; người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện; xe khách chở quá số người quy định, vi phạm tốc độ… Tại cuộc họp, các địa phương đều cho biết, tình hình TNGT vẫn diễn ra phức tạp, nguyên nhân chính là ý thức của người tham gia giao thông kém và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, đại diện nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến quốc lộ, đồng thời tăng biên chế lực lượng CSGT để đáp ứng yêu cầu tuần tra, phân luồng và xử lý nghiêm vi phạm.

Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, đối với các vụ TNGT nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự, không thể dàn hòa giải quyết như dân sự, phải thống kê số vụ đã xử lý hình sự trong năm qua. Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên  bày tỏ: "Mỗi năm nước ta có hàng chục nghìn người chết vì TNGT là không thể chấp nhận được. Do đó, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông phải được đưa vào trong các trường phổ thông. Bộ GD&ĐT phải xem đây là một nội dung trong chương trình giáo dục".

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Theo ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cần đẩy mạnh xử lý hành vi vi phạm trật tự ATGT. Nếu tài xế gây tai nạn có nguyên nhân chủ quan, thì ngoài xử lý hình sự nên cấm hành nghề vĩnh viễn. "Tỉnh đã có chủ trương huyện nào để xảy ra nhiều TNGT sẽ xử lý người đứng đầu huyện đó" - ông Khoa nói.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: Quỳnh Anh

Trong khi đó, kinh nghiệm của Thái Bình là cấm lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Ngoài các biện pháp xử phạt thông thường, gia đình đảng viên nào có người vi phạm luật lệ giao thông, đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ... Ngoài tra, Công an Hà Nội đã triển khai mô hình Tổ công tác đặc biệt 141, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp đi ô tô, xe máy có dấu hiệu phạm tội. Hiện mô hình này của Hà Nội đang được nhân rộng tại TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương…

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận xét, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực nhất trong công tác bảo đảm ATGT với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như: Điều chỉnh giờ học, giờ làm; quản lý, chấn chỉnh công tác trông giữ xe, cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố; cấm taxi, xe tải vào giờ cao điểm trên một số tuyến phố. Ngoài ra, nhiều địa phương đã triển khai các các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn và UTGT như "Xây dựng tiêu chí và chấm điểm thi đua giữa các huyện trong tỉnh tại Sơn La; "Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm ATGT" tại Bắc Ninh; "Công chức, viên chức nói không với rượu, bia vào buổi trưa" tại An Giang…

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp mạnh

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Những kinh nghiệm, biện pháp của từng tỉnh, thành phố như đổi giờ, cấm trông giữ xe máy ở Hà Nội; tăng tiền bồi dưỡng CSGT ở Đà Nẵng; đưa đảng viên vi phạm giao thông ra kỷ luật trước chi bộ ở Thái Bình... là những biện pháp, kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập. Đã đến lúc hệ thống chính trị cùng vào cuộc từ thành phố đến các khu dân cư, cần công khai danh tính người vi phạm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, số vụ TNGT giảm thời gian qua chưa vững chắc, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra trên cả đường bộ, đường sắt. Do đó, các địa phương cần thực hiện một loạt biện pháp mạnh như hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường xử lý nghiêm vi phạm giao thông, mức phạt cũng cần nặng hơn, vi phạm giao thông lần hai phải phạt nặng hơn lần thứ nhất, chống lấn chiếm vỉa hè, nghiêm cấm cán bộ công chức uống rượu, bia... Vì vậy, Bộ Y tế phải sớm ban hành quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; Bộ Công Thương có biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng. Đặc biệt Bộ Tài chính có lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản, tăng chế độ cho CSGT...

Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 1818/BGTVT - TC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên các mức thu đối với xe ô tô dưới 9 chỗ và xe mô tô như tờ trình. Cụ thể: Mức phí 20 triệu đồng/năm áp dụng đối với ô tô có dung tích xi lanh không quá 2.000cm3; ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000 - 3.000cm3 áp thu 30 triệu đồng/năm và 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000cm3. Mức thu đối với mô tô, xe máy, 500.000 đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên. Đặc biệt, mức thu phí của năm sau được tính tăng 5% so với mức thu của năm trước liền kề.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh hàng loạt biển chỉ dẫn đường bộ sau sáp nhập

Điều chỉnh hàng loạt biển chỉ dẫn đường bộ sau sáp nhập

04 Jul, 03:28 PM

Kinhtedothi - Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về đường bộ... về việc cập nhật, điều chỉnh thông tin biển chỉ dẫn đường bộ phù hợp với đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập.

Bất cập trong tổ chức sát hạch lái xe

Bất cập trong tổ chức sát hạch lái xe

04 Jul, 06:51 AM

Kinhtedothi - Hà Nội đã bắt đầu tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe, song vẫn còn hơn 70.000 người dân chờ tới lượt. Nhu cầu cao nhưng sát hạch lại “nhỏ giọt” khiến áp lực ngày càng lớn, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ