Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trái Đất trải qua 12 tháng liên tiếp nóng kỷ lục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự cộng hưởng giữa tình trạng nóng lên toàn cầu và hiệu ứng El Nino đã khiến tháng 4/2016 trở thành tháng thứ 12 liên tiếp đạt kỷ lục về nền nhiệt cao.

Nhiệt độ tăng cao kỷ lục tại Ấn Độ kéo dài trong nhiều tháng qua.
Ấn Độ là nơi có nhiệt độ tăng cao kỷ lục, kéo dài trong nhiều tháng qua.
Khảo sát hàng tháng của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) - một cơ quan khoa học nằm dưới quyền của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng 4/2016 là 14,8 độ C - cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20, vượt qua kỷ lục cũ được ghi nhận vào năm 2010. Nam bán cầu, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á đều ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 4.

Nhà khí tượng học Andrew Dessler của Đại học Texas A&M cho biết, việc nền nhiệt bị phá vỡ kỷ lục trong nhiều tháng liên tiếp cho thấy con người đang bước vào một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử về khí hậu. Điều này không những ảnh hưởng đến sự thay đổi thời tiết tại khu vực đó mà ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây.

Stephen O’Brien - người đứng đầu Văn phòng Điều phối viện trợ nhân đạo của Liên Hợp quốc (OCHA) cho biết: “Hiện tượng El Nino đang gây thời tiết cực đoan khắp thế giới, trong đó có đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Ethiopia trong 50 năm qua. Hơn 60 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang trở nên nghiêm trọng hơn bởi El Nino”.

Sanchez-Lugo và các nhà khoa học khác của NOAA cho rằng, những hoạt động của con người chính là nguyên nhân gây ra sự nóng lên của Trái đất. Mặc dù El Nino đang giảm dần cường độ và hiện tượng La Nina mang theo không khí lạnh được dự báo là xuất hiện cuối năm nay nhưng các chuyên gia dự báo,  2016 vẫn có thể tiếp tục phá vỡ kỷ lục về nền nhiệt để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.