Trai làng hừng hực khí thế tranh tài trên sới vật đầu năm

Minh An - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

 Kinhtedothi - Mỗi dịp đầu năm, đấu vật là môn thể thao diễn ra tại nhiều lễ hội. Sới vật không chỉ mang lại niềm vui ngày Xuân mà còn biểu đạt tinh thần thượng võ, giữ gìn bản sắc văn hóa làng, xã từ ngàn xưa; góp phần phát hiện các tài năng đấu vật cho các đội tuyển.

Gìn giữ nét văn hoá truyền thống

Hiếm có nơi đâu như Hà Nội, chỉ trong tháng Giêng, đầu năm mới đã diễn hàng loạt hội vật ở khắp các quận, huyện, thị xã như: Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất, Đan Phượng, Sơn Tây, Ba Vì...  Các sới vật thường được tổ chức tại đình làng, chùa hoặc các miếu, đền, thu hút hàng trăm người dân đến xem và cổ vũ.

Sới vật thôn Mai Trai (UBND xã Vạn Thắng, Ba Vì). Ảnh: Ngọc Tú.
Sới vật thôn Mai Trai (UBND xã Vạn Thắng, Ba Vì). Ảnh: Ngọc Tú.

Trong 2 ngày 24 và 25/2, tại Sới vật thôn Mai Trai (UBND xã Vạn Thắng, Ba Vì), Thôn Mai Trai và Dòng họ danh nhân cụ Lê Anh Tuấn đã tổ chức giải vật nam cổ truyền dân tộc xã Vạn Thắng Xuân Giáp Thìn 2024.

Từ sáng sớm, tiếng trống hội vang lên thúc giục mọi người đến với các sới vật. Khi hồi trống dài rộn ràng báo hiệu khai cuộc, hai đô vật bước lên sới vật với hai chiếc đai màu vàng, đỏ để phân biệt. Mọi người đứng thành vòng tròn, háo hức đón xem những thế vật hay, khéo léo của các đô vật.

Các đô vật thi đấu với mong muốn cho bản thân, cho thôn làng và quê hương may mắn trong năm mới. Ảnh: Ngọc Tú
Các đô vật thi đấu với mong muốn cho bản thân, cho thôn làng và quê hương may mắn trong năm mới. Ảnh: Ngọc Tú

Mở đầu keo vật là màn se đài, nghi thức luôn được người xem trông ngóng, chờ đợi nhất, bởi se đài bao giờ cũng khoe cái hay, cái đẹp và tôn lên nét đặc trưng của tinh thần thượng võ. Trên sới vật, các đô vật mang hết sức, hết tài thi đấu với mong muốn cho bản thân, cho thôn làng và quê hương may mắn trong năm mới.

Theo quan niệm của người dân địa phương, những sới vật ngày Xuân không chỉ nơi thể hiện tinh thần thượng võ, mà còn mang ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, hạnh phúc đến với mọi người trong một năm mới.

Chia sẻ về ý nghĩa, lịch sử của sới vật thôn Mai Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (Ba Vì) Trần Minh Khôi chia sẻ: Cụ Lê Anh Tuấn sinh năm Tân Hợi (1671). Cụ đỗ tiến sĩ năm Giáp Tuất (1694) làm đến Tham tụng Hộ bộ Thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, Thái tử, Thái bảo, tước Điện quận công. Trong hơn bốn mươi năm làm quan, cụ đã có nhiều sáng kiến, đóng góp, phục vụ đất nước. Để tưởng nhớ công lao của cụ, vào Rằm tháng Giêng hàng năm dòng họ Lê phối hợp với thôn Mai Trai tổ chức giải vật tự do để các đô vật trong và ngoài xã đến tham dự, giao lưu, đọ sức khỏe và chia sẻ những thế vật với nhau.

Có một điều đặc biệt, sới vật thôn Mai Trang hay sới vật Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã vượt qua biên giới để thu hút được nhiều đô vật ở nước ngoài đến đọ sức. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên chia sẻ: Từ những sới vật này, ngành Thể thao Thủ đô đã phát hiện được nhiều đô vật tài năng và tập trung đào tạo. Từ đó, nhiều đô vật đã mang Huy chương Vàng về cho thành phố Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ở các đấu trường tại châu Á, Đông Nam Á.

Ươm mầm, phát hiện tài năng

Thời gian qua, phong trào tập luyện và thi đấu môn vật đang phát triển mạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó tập trung ở các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh, Gia Lâm… Nội dung vật tự do, Hà Nội đã đóng góp nhiều VĐV tiêu biểu cho đội tuyển quốc gia tham gia và đạt nhiều thành tích nổi bật tại các giải khu vực và thế giới.

Phong trào tập luyện và thi đấu môn vật đang phát triển mạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Phong trào tập luyện và thi đấu môn vật đang phát triển mạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Trong các đội vật của TP Hà Nội có những VĐV được phát hiện, trưởng thành từ các sới vật hội làng. Trong danh sách đội tuyển vật Việt Nam từng tham dự Olympic có những người trưởng thành từ những sới vật làng như: Nguyễn Thị Lụa, Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công

Trong đó, đô vật Phí Hữu Tình đã mang về trận thắng duy nhất cho vật Việt Nam tại Thế vận hội mùa Hè 1980. Kế tiếp bước cha chú, đô vật Nguyễn Thị Lụa (huyện Quốc Oai) từng giành vé dự Olympic năm 2012 và 2016, Huy chương Bạc Á vận hội năm 2010. Nguyễn Thị Lụa cũng là đô vật Việt Nam duy nhất từng hai lần liên tiếp giành vé dự Olympic.

Tổng Thư ký Liên đoàn Vật Việt Nam Tạ Tùng Đức chia sẻ: Những VĐV từ các địa phương có truyền thống môn vật tiến bộ nhanh vì họ được tiếp cận với môn vật từ nhỏ. Không chỉ có thể chất phù hợp với môn vật mà còn phát huy những thế vật hay mà họ học được từ cha, chú của mình. Hiện nay, trong Đội tuyển vật quốc gia có không ít cái tên trưởng thành từ những sới vật của TP Hà Nội như: Cấn Tất Dự, Phùng Khắc Huy, Nguyễn Xuân Định... Những đô vật này đã đóng góp rất nhiều Huy chương Vàng SEA Games cho đội tuyển vật Việt Nam.

 

Vật dân tộc là môn thể thao cổ truyền của Việt Nam, phát triển mạnh nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là biểu tượng của sức mạnh, mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an, cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Từ 23 – 26/2, giải vô địch vật tự do, dân tộc được tổ chức  tại sới vật Ngô Sài (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có sự tham gia thi đấu của trên 100 VĐV đến từ 8 quận, huyện, tranh tài 22 bộ huy chương nội dung phong trào và nâng cao nam và nữ.