Hãy cùng tới Quảng Ninh để khám phá và trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng dịp đầu Xuân Nhâm Dần để cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc.
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 130km về phía Đông Bắc, Yên Tử là dải núi cao nằm trong dãy núi Đông Triều thuộc địa phận xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Với độ cao 1.068m so với mực nước biển, Yên Tử không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên đẹp được đông đảo khách du lịch yêu thích, nơi đây còn là một vùng đất linh thiêng, lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam".
700 năm trước đây, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng của mình ở tuổi 35 để tới Yên Tử tu hành và thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm tại nơi đây. Đây là một dòng thiền tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa nhưng lại mang đậm bản sắc và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người.
Non thiêng Yên Tử là nơi chứa đựng trong mình một hệ thống các công trình kiến trúc Phật giáo gồm hàng chục ngôi chùa, am, tháp và hàng nghìn di vật cổ quý giá có giá trị kiến trúc và nghệ thuật đặc biệt từ thời nhà Trần thuộc thế kỷ thứ XIII.
Hằng năm, lễ hội Yên Tử được khai hội vào mùng 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, đồng thời thu hút hàng nghìn, hàng vạn du khách từ khắp cả nước hành hương tới nơi đây để trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng, du Xuân “cầu may vạn phúc”.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc cùng những hoạt động văn hóa dân gian khác như múa lân, trình diễn võ thuật cổ truyền, các trò chơi dân gian… Thực hiện chỉ đạo của các cấp, Xuân Nhâm Dần 2022 khu di tích Yên Tử không tổ chức lễ hội. Vào ngày khai hội, Ban Trị sự Giáo hội chỉ thắp hương, làm lễ tâm linh, không mời đại biểu đến dự. Nhưng ngay từ đầu Xuân, nơi đây đón đông đảo lượng khách về đây chiêm bái. Cụ thể lượng khách đến ngay trong ngày mùng 1 Tết đã đạt gần 1.500 khách và lũy kế gia tăng gấp đôi trong các ngày tiếp theo, riêng mùng 5 Tết cao điểm đạt gần 22.000 khách. Lượng khách trong 15 ngày đầu tháng Giêng đến với miền đất Phật gần đạt số lượng so với thời kỳ chưa có đại dịch Covid-19.
Khung cảnh Yên Tử có núi non trùng điệp, có thác reo, có suối chảy, có những gốc cây cheo leo trên vách đá, có thấp thoáng những mái chùa rêu phong đầy cổ kính,… Phía trên đỉnh núi, từng dải mây bao phủ những lớp mỏng manh, mờ ảo tựa chốn bồng lai. Tất cả tạo nên một nơi giao thoa giữa đất, trời và lòng người.
Trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng không chỉ là trải nghiệm những giá trị tâm linh mà còn là địa điểm khám phá văn hóa - lịch sử của Phật giáo Việt Nam cũng như tận hưởng những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa đất và trời.