Trái phiếu doanh nghiệp - ứng xử thế nào cho đúng?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại talkshow với chủ đề “Hiểu đúng về trái phiếu” do Báo Đầu tư thực hiện ngày 28/10, các chuyên gia nhấn mạnh, một nguyên nhân lớn của những băn khoăn, lo lắng, thậm chí là sợ hãi với trái phiếu doanh nghiệp là do chúng ta thiếu thông tin đến nhà đầu tư.

Đẩy mạnh minh bạch thông tin

Theo các chuyên gia, ở những thị trường phát triển, trái phiếu là kênh huy động vốn hữu hiệu, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng truyền thống cho doanh nghiệp. Trái phiếu cũng là sản phẩm đầu tư hấp dẫn thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư cũng như tổ chức, qua đó nâng cao tính hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán là vấn đề của dòng tiền, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề của niềm tin
Các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán là vấn đề của dòng tiền, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề của niềm tin

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Công ty chứng khoán DSC thừa nhận, thời gian qua, đã có một cuộc khủng khoảng nhẹ về niềm tin trên thị trường trái phiếu. Những thông tin trái chiều về các kênh đầu tư hiện hữu, trong đó có trái phiếu khiến không ít nhà đầu tư phân vân, lưỡng lự, thậm chí lo lắng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một chân kiềng quan trọng của thị trường vốn Việt Nam. Sau giai đoạn bùng nổ 2019 - 2021, với sự chấn chỉnh của cơ quan quản lý, thị trường đang có những điều chỉnh lại theo hướng minh bạch và an toàn hơn.

Mặc dù có sự chững lại, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thị trường trái phiếu trong quý II năm nay vẫn tăng trưởng 31,6%, mức cao nhất trong khu vực. Đây vẫn là kênh huy động vốn hữu hiệu trong điều kiện lãi suất tăng và thị trường chứng khoán có sự suy giảm.

Để thị trường trái phiếu phát huy tốt nhất vai trò của mình sẽ có nhiều vấn đề cần phải làm, từ việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng các tổ chức định mức tín nhiệm, hoàn thiện kết cấu thị trường, tạo lập đường cong lãi suất chuẩn…, và quan trọng hơn cả là xây dựng niềm tin với nhà đầu tư. Việc trang bị thêm đầy đủ những thông tin cơ bản để các nhà đầu tư hiểu rõ hơn, từ đó vững tâm và tin tưởng vào tương lai, đặc biệt là sau khi Chính phủ có những động thái nhằm giúp thị trường trái phiếu phát triển ổn định và lành mạnh là rất cần thiết.

Ông Bùi Văn Huy cho biết thêm, như các thị trường khác, trái phiếu doanh nghiệp cũng có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu nhưng nỗi sợ nhiều khi khiến nhà đầu tư đánh đồng tốt, xấu vào cùng một rổ. Nguyên nhân chính là do “chúng ta khá mù mờ về mặt thông tin.

''Tôi lại thấy thị trường đang thiếu đi một tổ chức mà xếp hạng tín nhiệm uy tín, có thể đưa ra các khuyến nghị để nhà đầu tư tham khảo ví dụ như trái phiếu này có rủi ro hay không, nếu có thì rủi ro ở đâu, nhà đầu tư lựa chọn đầu tư thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình như thế nào? Nhà đầu tư băn khoăn, cân nhắc, thậm chí là sợ vì họ đang mù mờ, thiếu thông tin. Vì thế, cái chúng ta cần là đẩy mạnh minh bạch thông tin trong triển khai thị trường trái phiếu” - ông Huy nhấn mạnh.

Bình tĩnh, không hành động theo tâm lý đám đông

Về cách thức ứng xử với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng, điều bất cập hiện nay là nhà đầu tư không có khả năng đánh giá được mức độ rủi ro của từng loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường, chủ yếu là nhìn vào uy tín của nhà phát hành cũng như đơn vị phân phối (đa phần là ngân hàng, công ty chứng khoán). Rất ít nhà đầu tư có khả năng phân tích dòng tiền của doanh nghiệp phát hành, tính pháp lý hoặc tính khả thi của dự án đang huy động vốn… 

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trước đây nhầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm không có rủi ro. Chính vì vậy, khi sự cố xảy ra, nhiều nhà đầu tư ngay lập tức phản ứng, yêu cầu bán lại trái phiếu trước hạn, thu hồi tiền ngay lập tức, thậm chí chấp nhận mất lãi. Điều này gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp phát hành, các công ty chứng khoán. 

“Nhà đầu tư sợ là đúng, nếu trái phiếu có vấn đề. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang hành động theo tâm lý đám đông, nhìn thấy người khác đi rút trái phiếu doanh nghiệp thì cũng đi rút theo, mà không phân tích trái phiếu doanh nghiệp mình đang cầm như thế nào. Việc rút tiền hàng loạt gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và gây áp lực lớn cho thị trường. Việc chúng ta cần là bình tĩnh lại, đánh giá kỹ loại trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ” - ông Huy khuyến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng đổ đi rút cùng lúc, không ngân hàng, doanh nghiệp nào có thể đủ tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả cao bất thình lình như vậy. Thậm chí, rút tiền hàng loạt theo tâm lý có thể dẫn tới cảnh một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường tới tình trạng khó khăn trong cân đối dòng tiền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần