Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trái phiếu lấn át nguồn vốn cho doanh nghiệp ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành thành công gần 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), đạt hơn 70% kế hoạch phát hành 220.000 tỷ đồng cho cả năm 2016.

Kênh hút vốn ngân hàng

Hiện tại có tới 77% TPCP trên thị trường là do các ngân hàng (NH) nắm giữ, và chiếm tới 83% tổng lượng giao dịch TP trên thị trường. Các nhà băng nhanh tay gom trái phiếu một phần vì họ đang rất dồi dào tiền, nhu cầu giải ngân tín dụng ra thị trường chưa nhiều (tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm mới đạt 5,48% so với kế hoạch 18 - 20% cả năm), phần vì trữ thanh khoản cho NH. Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhiều khuyến cáo với hệ thống NH, liên quan đến các lĩnh vực cho vay có nhiều rủi ro như: Thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản (BĐS) và ngăn ngừa sự hình thành "bong bóng" theo chu kỳ của thị trường này. Với những động thái trên của NHNN, các NH có xu hướng tìm kiếm danh mục cho vay bền vững hơn, trong đó có trái phiếu. “Các NH mua lại trái phiếu, bởi trừ thời điểm khủng hoảng, đa số các NH luôn thừa vốn. Phần vốn dư thừa này phải tìm đến các công cụ đầu tư như TPCP, tín phiếu kho bạc… để hưởng lãi suất, khi cần có thể bán bất cứ lúc nào” - lãnh đạo một NH thương mại (NHTM) cho biết.
Kiểm tra tính hợp lệ của trái phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Kiểm tra tính hợp lệ của trái phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, lũy kế từ đầu năm, KBNN đã huy động được 170.000 tỷ đồng TPCP qua đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hoàn thành 76% kế hoạch năm. Theo đại diện Maritime Bank, Thông tư 06/2016/TT-NHNN được NHNN ban hành vào cuối tháng 5 vừa qua có nội dung nâng tỷ lệ mua, đầu tư TPCP của NHTM Nhà nước từ 15% vốn ngắn hạn lên 25%; các chi nhánh NH nước ngoài cũng được nâng tỷ lệ này từ 15% lên 35%, được xem là đòn bẩy kích thích thị trường TPCP tăng trưởng.

Chờ sức hấp thụ tín dụng cao trở lại

Với kết quả huy động TPCP trong 6 tháng đầu năm thì kế hoạch huy động 220.000 tỷ đồng trong cả năm 2016 có nhiều cơ hội về đích. Song, vấn đề đặt ra, tiền vào trái phiếu có lấn át chèn ép vốn cho DN: Liệu các NH có ưu ái cho việc kiếm lời từ TPCP hơn là cho DN vay? Ghi nhận ý kiến của một số nhà băng cho thấy, tăng trưởng kinh tế chưa đạt như mong đợi nên sức hấp thụ tín dụng của DN và thị trường giảm nhẹ, thiếu DN đủ chuẩn để cho vay nên NH buộc phải tập trung hơn vào kênh trái phiếu để tiêu thụ vốn dư thừa. Đến khi sức hấp thụ tín dụng cao trở lại thì ngay lập tức các NH sẽ chuyển nguồn vốn sang tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng đánh giá: “Tôi đồng ý việc tiền chảy quá nhiều vào TPCP là tín hiệu không vui cho nền kinh tế, nhưng cũng phải công nhận, nguyên nhân này là do "sức khỏe" của khối DN chưa ổn, cùng với đó là lòng tin của NH chưa đủ lớn. Nếu NH mua TPCP với lãi suất 6%/năm thay vì cho DN vay với lãi suất 12%/năm thì DN phải tự hỏi tại sao mình lại làm mất lòng tin của NH". Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, do đã hoàn thành trên 70% kế hoạch, áp lực phát hành trái phiếu trong những tháng còn lại của năm sẽ không quá lớn. Điều này sẽ giúp lãi suất trên thị trường trái phiếu tiếp tục ổn định ở mức thấp hoặc thậm chí giảm thêm, làm tiền đề kéo lãi suất huy động và cho vay trên thị trường xuống thấp hơn. Thống kê của HNX cho thấy, các phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm bán nhanh với lãi suất giảm rõ rệt. Trên thị trường sơ cấp, lãi suất trúng thầu giảm mạnh khoảng 0,25 điểm phần trăm so với tháng trước đó (lãi suất kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 20 năm ở mức 5,3%, 6,14% và 7,75%). Còn trên thị trường thứ cấp, mức lãi suất giao dịch trung bình cũng giảm 0,15 - 0,20 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn từ 2 - 5 năm.
Trong 3 tháng qua, NHNN đã mua thêm được khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng 178.400 tỷ đồng được bơm ra thị trường; Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, áp lực từ việc phải tăng vốn huy động để đáp ứng tỷ lệ này theo như dự thảo ban đầu là 40% đã được dỡ bỏ cho đến đầu năm 2018. Lãi suất cho vay qua đêm hiện chỉ từ khoảng 0,7 – 1%/năm, cho thấy thanh khoản của hệ thống NH khá tốt.
TS Bùi Quang Tín Chuyên gia tài chính ngân hàng