Trong đó, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn vẫn luôn là "kim chỉ nam" để các cấp, ngành thực hiện chủ trương, chính sách về vấn đề này.
Những bài học quý báu
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ “dùng người đúng và khéo”. Với quan niệm “dụng nhân như dụng mộc”, Người đã quy tụ nhân tài và “khéo” sử dụng họ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người” và coi đó là một động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), xét về mặt quan điểm, Bác có hai bài viết quan trọng, gồm: “Nhân tài và Kiến quốc”, “Tìm người tài đức”. Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, Bác cho rằng, kiến quốc là muốn đất nước phát triển. Muốn kiến quốc thành công thì phải có nhân tài. Từ đó, Bác đi đến quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Lúc đầu, vào cuối năm 1945, Ủy ban này có 30 nhân sĩ, trí thức thời đó ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, luật pháp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... được tập hợp để cố vấn cho Chính phủ kế hoạch xây dựng đất nước. Đến đầu tháng Giêng năm 1946, Ủy ban được bổ sung thêm 10 người nữa, nâng tổng số lên 40 người. Như vậy, Bác vừa thể hiện quan điểm, vừa thể hiện bằng hành động cụ thể, chứ không kêu gọi chung chung.
Bài “Tìm người tài đức” Bác viết vào năm 1946, sau khi đi Pháp về. Bác cho rằng, ở nước ta, nhân tài dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Do đó, Bác đã ra Sắc lệnh, đề ra cụ thể nhiệm vụ của các địa phương là phải quan tâm để ý, phát hiện người tài ở địa phương mình, báo cáo lên Chính phủ để trọng dụng người tài đó. “Sáng suốt, chân thành, khoan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp các nhân tài ngoài Đảng "bung nở" tài năng, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự hiến dâng cho Tổ quốc” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu.
Trong thời điểm hiện nay, những tư tưởng về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là định hướng quý báu để Đảng và Nhà nước ta hoạch định và thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo PGS.TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội), từ trước đến nay đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án về việc thu hút, trọng dụng nhân tài. “Thảm đỏ” được trải ra rộng mở với ưu đãi về chế độ chính sách, tạo cơ hội cho người tài năng cống hiến. Nhiều địa phương đã ươm tạo thành công các DN khoa học công nghệ; tận dụng tốt nguồn lực các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển nền kinh tế tri thức, thúc đẩy khoa học công nghệ...
Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và những giải pháp rất căn bản trong khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài; nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài... Với việc phê duyệt Chiến lược này, đã tạo ra cảm hứng rất lớn trong đội ngũ cán bộ, trí thức, qua đó càng đòi hỏi các cấp, ngành tổ chức thực hiện khẩn trương, trách nhiệm hơn trong vấn đề thu hút và trọng dụng người tài.
Để các chính sách phát huy hiệu quả
Nhìn lại thực tế thời gian qua, hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn còn chưa được như mong muốn. “Thảm đỏ” sức hút vẫn chưa đủ mạnh, nên việc "chảy máu chất xám" vẫn còn diễn ra, nhất là từ khu vực Nhà nước ra khu vực tư nhân, việc nhiều người được cử đi học nước ngoài rồi không trở về, thậm chí ngay trong chính một tổ chức, người tài không được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc.
Do đó, nhiều ý kiến nhận định, dù có chính sách, cơ chế nhưng rồi vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán về vấn đề này. Theo nhiều chuyên gia, cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về nhân tài trong các lĩnh vực, các tiêu chí xác định nhân tài cũng như làm rõ các cơ chế, chính sách với tư duy và biện pháp đột phá hơn. Khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp. Từ đó, giải quyết một cách đồng bộ các giải pháp để thực sự thu hút và giữ được nhân tài, tạo môi trường làm việc cho người tài, đồng thời thu hút người tài từ các khu vực khác về khu vực công.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), “dùng người” là cả một nghệ thuật. Đầu tiên, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức tinh hoa, nhân tài đối với sự phát triển đất nước hiện nay. Từ đó, có những cơ chế, chính sách, hành động cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, sử dụng nhân tài. Thêm vào đó, tạo ra môi trường thuận lợi, có tính cạnh tranh công bằng và khuyến khích sự phát triển cá nhân. Điều này có thể bao gồm việc ban hành các chính sách và quy định để khuyến khích trí thức phát huy năng lực của mình, hay các chính sách cung cấp cơ hội đào tạo và học tập liên tục, đảm bảo tiến bộ dựa trên khả năng và đóng góp thực tế của đội ngũ trí thức.
Tin tưởng, sử dụng đúng sở trường, tạo điều kiện phát huy hết năng lực, trân trọng, đãi ngộ xứng đáng, ứng xử chuẩn mực, ăn ở đầu đuôi, trước sau, tín nghĩa… tổng hòa các tố chất này của người đứng đầu sẽ tạo nên năng lực, sức hút để giữ chân được người tài năng và tạo nên sự thành công của chính sách nhân tài. Nhân tài tụ hội sẽ tạo nên, sẽ làm mạnh lên “nguyên khí” cho Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Trần Anh Tuấn
Về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, người tài sẽ tự đến khi được trọng dụng, không để xảy ra tình trạng “Sĩ phu ngoảnh mặt đi”. Khi nhân tài được trọng dụng, họ sẵn sàng giúp đất nước. Trong lịch sử, đã có những người đã từ bỏ những điều kiện cá nhân, cơ hội ở nước ngoài để đi theo kháng chiến, theo lời kêu gọi của Bác. Có lẽ, bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là: tư tưởng lớn thể hiện qua những ý tưởng và hành động rất giản dị, gần với mọi người.
Nguồn lực để phát triển Thủ đô
Tại Hà Nội, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TWcủa Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế".
Hiện, Hà Nội đang thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính đột phá như tập trung phối hợp hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 gắn với định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đồng thời, chủ động sớm xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch lớn của TP ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua. Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo kế hoạch đề ra và các đồ án, dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm của TP… Qua đó, hiện thực hóa được các mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đáp ứng được các mục tiêu phát triển mới, yêu cầu về thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao càng được đặt ra. Nhằm tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế các điều khoản để thu hút được nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô thời gian tới.
Đối tượng thu hút, trọng dụng nhân tài, điều khoản bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Trong đó, cũng quy định cụ thể những yêu cầu, chế độ với các cá nhân. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra nguồn lực về con người để thực hiện các chính sách đột phá, vượt trội của Hà Nội.
Như nhiều ý kiến nhận định, chính sách về nhân tài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, gắn với Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thực hiện các nhóm chính sách trong Luật Thủ đô, các mục tiêu đề ra trong hai quy hoạch lớn của Thủ đô, với những trụ cột phát triển về văn hóa và di sản, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Đồng thời là những đột phá phát triển về thể chế và quản trị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; về đô thị, môi trường và cảnh quan...
Chúng ta không thể “ngồi đợi để thu hút nhân tài” mà cần có chiến lược hỗ trợ để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và giữ được nhân tài. Muốn làm được điều đó, giải pháp căn cơ là tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao với tầm nhìn dài hạn. Chúng ta có thể tìm kiếm nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau, thu hút người giỏi từ các nước đến Việt Nam làm việc nhưng về cơ bản là đào tạo trong hệ thống giáo dục trong nước.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
Qua đó, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; thực hiện lời dạy, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.