“Trải thảm” vẫn khó cho vay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông thường, quý IV là thời điểm nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tăng mạnh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2012, dù các ngân hàng trải thảm đỏ cho vay nhưng nhiều DN vẫn không mặn mà.

"Trong bối cảnh hàng tồn kho vẫn lớn, tâm lý DN chưa muốn mở rộng đầu tư, sản xuất; người tiêu dùng vẫn phải cắt giảm chi tiêu nên nhu cầu vốn dịp cuối năm của khách hàng không cao, dù lãi suất đã giảm." - Ông Lê Thành Trung Phó Tổng Giám đốc HDBank

Khó tìm doanh nghiệp tốt

Tận dụng "cơ hội" cuối năm để tăng tín dụng, hiện, các ngân hàng đang tung ra nhiều sản phẩm cho vay hấp dẫn. Tại ABBank, đến hết tháng 12/1012, khách hàng vay vốn sẽ được giảm ngay 2% lãi suất vay trong 3 tháng đầu tiên, có cơ hội nhận phiếu mua hàng nội thất trị giá 10 triệu đồng hoặc thẻ tín dụng với số dư từ 1 - 3 triệu đồng trong tài khoản.
 
BaoViet Bank tài trợ xuất khẩu bằng VND, với lãi suất từ 7,5%/năm. Eximbank cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi cho DN xuất khẩu bằng VND theo lãi suất ngoại tệ 7%/năm. Một số ngân hàng khác như ACB, HDBank, OCB… cũng cho DN vay VND với lãi suất 10 - 11%/năm. 

“Trải thảm” vẫn khó cho vay - Ảnh 1
Do nhu cầu thấp, sản xuất khó khăn, hàng tồn kho lớn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn dù ngân hàng đã có nhiều chính sách ưu đãi.Ảnh: Việt Hùng
 
Là người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tìm được DN tốt để cho vay thời điểm này không dễ. "Thế nên mới có chuyện ngân hàng “trải thảm” mời chào, thậm chí giành giật nhau các DN tốt để cho vay" - ông Hiếu nói.
 
Cùng quan điểm này, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, hầu hết các ngân hàng đều rất dè dặt cho DN vay nên chỉ có những DN thực sự tốt mới được xét duyệt. Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn, đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của OCB vẫn dừng ở mức 10%, không tăng so với tháng 9. Hiện tại, đã có một số DN liên hệ với ngân hàng để vay, nhưng rất nhiều trường hợp sau khi được duyệt hồ sơ lại không đến ngân hàng để giải ngân.

Cầu thấp, doanh nghiệp cũng không mặn mà 

Thời điểm này, dù ngân hàng trải thảm mời chào nhưng DN vẫn không mặn mà với việc vay vốn. Do nhu cầu thấp, kinh tế khó khăn, nhiều DN chỉ tập trung thu hồi công nợ, giải quyết hàng tồn kho thay vì vay mới để mở rộng sản xuất. Đại diện Công ty Rượu Zenka cho biết, thời điểm này năm trước, đi đâu cũng nghe bàn chuyện lương thưởng, doanh số, hàng Tết. Nhưng năm nay, kinh tế khó khăn, lượng đơn đặt hàng Tết sụt giảm mạnh. Do vậy, công ty này cũng không có nhu cầu vay vốn dù đây là mùa kinh doanh cao điểm.
 
“Trải thảm” vẫn khó cho vay - Ảnh 2
Dù ngân hàng "trải thảm đỏ", nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà với việc vay vốn.
 
Ông Nguyễn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Văn Lang (Mã Mây, Hà Nội) lại cho biết, hiện, công ty đang tập trung đòi nợ nên chưa tính đến việc vay vốn mở rộng sản xuất cuối năm. 

Theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, chỉ số mua hàng (PMI) của các ngành sản xuất Việt Nam trong thời gian qua liên tục giảm, số lượng đơn đặt hàng mới không tăng trong bối cảnh thị trường nội địa thu hẹp và các giao dịch thương mại toàn cầu giảm. Thực tế hiện nay, nhiều DN vẫn ngập ngừng về sức mua trong các tháng cuối năm. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, việc con số tồn kho của DN giảm là điều đáng mừng nhưng đánh giá kỹ, có thể thấy, sự khởi sắc là chưa có vì DN chỉ chú trọng bán hàng tồn kho và hạn chế sản xuất. Nếu tình hình này còn tiếp diễn đến cuối năm thì ngân hàng vẫn rất khó giải ngân tín dụng. 

Trong chỉ đạo mới nhất về điều hành tiền tệ những tháng cuối năm 2012 và năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiên cứu để xem xét triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, giảm chi phí hoạt động cho vay… Cơ quan này cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn.