Trái thanh long Long An giữa mùa dịch nCoV

Nhã Vy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với cảnh nhộn nhịp của những tháng cận trước Tết Canh Tý 2020, hiện các điểm thu mua thanh long tại huyện Châu Thành, Long An đã ít còn nhộn nhịp, phần do nhiều thương lái chuyên thu mua vẫn còn đóng cửa chưa hoạt động sau kỳ nghỉ Tết, phần khác do tác động của dịch nCoV…

Thế nhưng, dường như đầu ra cho trái thanh long đang tìm được một tiếng nói chung từ sự nhanh nhạy của chính quyền Long An…
Hướng đi mới cho nông nghiệp, nông thôn
Ông Bùi Đức Tâm có gần 3ha thanh long (ruột đỏ) ở Phú Ngãi Trị, Châu Thành, Long An. Bình quân mỗi chu kỳ thu hoạch (khoảng 30 ngày), ông Tâm  giao hàng cho thương lái khoảng 10 - 15 tấn.
 Sau khi được đền hợp đồng tiêu thụ 5nghìn đồng/kg, những trái thanh long này được thương lái mua với giá 10-12 nghìn đồng/kg
Theo ông Tâm, phương thức giao dịch giữa nhà vườn với thương lái được tiến hành bằng một hợp đồng, nhà vườn cam kết bán trọn một chu kỳ thu hoạch cho thương lái, thanh toán bằng tiền mặt. Phương thức làm ăn này được duy trì nhiều năm, thì sau đợt hàng trước Tết Canh Tý 2020, mọi chuyện có thay đổi.
Mới đây nhất, do tác động từ dịch nCoV thương lái đàm phán lại xin hủy hợp đồng mà cả hai thỏa thuận ghi nhớ. Theo đó, thương lái đền cho nhà vườn 5.000 đồng/kg đã cam kết giao dịch. Với cam kết giao dịch khoảng 10 tấn, ông Tâm được thương lái đền hợp đồng gần 50 triệu đồng (số tiền này thương lái thanh toán tại nhà vườn bằng tiền mặt một lần).
Khi được hỏi: Sau khi thương lái đền bù và hủy hợp đồng, số lượng thanh long đến kỳ thu hoạch nhà vườn tự lo đầu ra?
Ông Tâm nói: “Họ vẫn tiếp tục thu mua với một khung giá mới”. Theo đó, từ ngày 1/2, họ tiến hành thu mua với giá 4, 6, 8 nghìn đồng/Kg lần lượt cho loại trái hạng 1, 2, 3 (các loại trái hạng 1, 2, 3 đều phải có trọng lượng từ tên 460gam/trái, chỉ khác nhau hình thức bên ngoài). Giá này được thương lái điều chỉnh tăng 8, 10, 12 nghìn đồng/Kg từ ngày 8/2.
Như vậy, với gần 10 tấn sản lượng cho chu kỳ lần này, nếu giao dịch bình thường 20.000 đồng/Kg, ông Tâm có được gần 200 triệu đồng. Nay do tác động từ dịch cúm nCoV, thu nhập của ông Tâm còn khoảng 150 triệu đồng.
Theo tính toán của nhà vườn, mức thu nhập này chưa phải là đáng lo. Cái lo là không còn hợp đồng tiêu thụ như trước và tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu…
Từ câu chuyện của ông Bùi Đức Tâm có thể hình dung ra mấy vấn đề:
Nhiều nhà nông giờ cũng đã hình thành cung cách làm ăn mới so với trước. Giữa họ và các nhà thu mua xuất khẩu (thương lái) nay cũng “ràng buộc” bằng hợp đồng tiêu thụ. Việc (do ảnh hưởng khách quan từ dịch cúm nCoV), thương lái đã thỏa thuận đền hợp đồng cho nhà vườn theo một mức thỏa thuận, cho thấy họ họ vẫn tiếp tục gìn giữ quan hệ và nuôi dưỡng nguồn cung từ vùng nguyên liệu.
Điều này cho thấy, việc phát triển vùng thanh long (ruột đỏ) tại Châu Thành, Long An nói riêng, vẫn đang là hướng đi tốt của nhà nông và các nhà hoạch định chính sách. Qua đây cho phép kỳ vọng về một hướng đi mới cho nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, việc đối mặt với “khủng hoảng” như ảnh hưởng của dịch cúm nCoV lại ngoài tầm suy nghĩ và xử lý của họ.
 Điều các nhà vườn quan tâm lo lắng là tương lai dài của trái thanh long
Giải cứu cách nào?
Có lẽ, cũng không thể phủ nhận lòng thiện nguyện của một số người, khi kêu gọi giải cứu bằng hình thức vận động tiêu dùng. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng là làm gì để vượt qua “khủng hoảng”, để tiếp tục  phát triển theo chuỗi bền vững trong tương lai.
Một trong những động thái cần thiết, có lẽ cần được đánh giá cao là sự nhanh nhạy và quyết tâm của chính quyền tỉnh Long An khi kịp thời tổ chức phiên họp nhiều bên tìm lời giải cho giải cho bài toán tiêu thụ thanh long.
Ngoài việc liên kết với các địa phương lân cận như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Qua đó, yêu cầu 3 doanh nghiệp thương mại bán lẻ lớn là BigC, Megamarket và Saigon Co.op hỗ trợ tiêu thụ thông qua bán lẻ.
Ghi nhận tại hội nghị hôm 5/2, diện tích thanh long trên toàn tỉnh khoảng 11.826ha, trong đó diện tích đang cho trái là 9.587ha, sản lượng 320.000 tấn.Thời gian qua, thị trường tiêu thụ Trung Quốc chiếm 70 - 80%. Phần còn lại tiêu thụ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, Newzealand, Ấn Độ, Úc,... và tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao.
Bản đồ thị trường tiêu thụ thanh long của Long An như vậy thì rõ là khó tránh khỏi tình trạng ùn ứ, khó khăn trong tiêu thụ hiện nay, do dịch bệnh xảy ra phổ biến tại Trung Quốc, khiến giao thông hạn chế cả  bằng đường đường bộ, hàng không, và đường thủy, cản trở hoạt động giao dịch trong tiêu thụ.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh cũng chia sẻ, một số khách hàng Trung Quốc như Hồng Thái Dương, Phú Quý,... đã hủy các đơn hàng mua thanh long các kho là thành viên của hiệp hội. Đồng thời, các đơn vị thu mua hỗ trợ 4.000 đồng/kg cho các hợp đồng đã ký. Hiệp hội cũng có cuộc họp với các nhà kho, thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.000 đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, nhà lái và nhà vườn.
Trước tình hình hiện nay, theo Giám đốc Sở Công Thương Long An Lê Minh Đức, khi các cửa khẩu đường bộ tiếp tục dừng giao dịch, một số doanh nghiệp chuyển sang đường biển. Tuy nhiên, cảng biển Shenghai (Thượng Hải) đã quá tải, thông quan chậm ảnh hưởng đến vận chuyển, tiêu thụ.
Hiện Sở Công Thương phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty CP Fado Việt Nam giới thiệu vận chuyển xuất khẩu bằng đường sắt chi phí thấp (khoảng 40 triệu đồng/container), các doanh nghiệp đang nghiên cứu để thực hiện.