Ngôi nhà nhỏ ấm tình người
Nằm giữa thôn Gò Sỏi, khu xưởng sản xuất các mặt hàng bằng gỗ hương của Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng không lúc nào ngơi nghỉ. Hôm chúng tôi ghé thăm, em Võ Thị Hải, quê ở TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), đang cùng hàng chục anh chị em tất bật với các công đoạn sản xuất những chiếc chiếu gỗ.
Hải sinh năm 1995 bị khiếm thính từ ngày còn nhỏ. Do hoàn cảnh khó khăn nên Hải phải rời quê hương lên Hà Nội tìm việc làm. Bươn chải nhiều nơi, làm đủ thứ việc, nhưng chẳng nơi đâu ổn định. Mãi tới năm 2015, cơ duyên đến khi em tìm đến được với HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng, nơi em được hỗ trợ đào tạo nghề làm hạt gỗ.
Sau thời gian dài học hỏi, hiện nay Hải cùng các đồng nghiệp bị khiếm khuyết đã có thể tham gia sản xuất hàng chục mặt hàng như: Chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… Không chỉ được học nghề, Võ Thị Hải còn được trả lương hàng tháng và được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở. Với cô gái đến từ Quảng Trị, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng giống như “ngôi nhà thứ hai”.
Võ Thị Hải là một trong số hàng chục người khuyết tật đang được HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng cưu mang, nâng đỡ, đi qua những tháng năm khó khăn của cuộc đời. Giống như Hải, khi đến với HTX, tất cả các thành viên đều được học nghề, được tạo việc làm để tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả, như lời cô gái khiếm thị Nguyễn Linh Chi, sinh năm 1999 ở xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), là có được “một gia đình nhỏ”, nơi ai nấy đều thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga chia sẻ: “Ngày mới thành lập HTX, chị nhận về không ít những hoài nghi. Để chứng minh người khuyết tật cũng có khả năng làm việc nếu biết khai thác đúng lợi thế, chị đã thuyết phục nhiều gia đình cho con em vào HTX; hỗ trợ để các em học nghề, đóng góp cho xã hội.
“Đó là những ngày đầu gian khó. Để có tiền trang trải ăn ở cho gần 30 học viên, ngoài đồng lương giáo viên ít ỏi, tôi phải đi bán hàng nước và nhận đi dạy thêm. Hơn nữa, bản thân các em là những người khuyết tật nên việc đào tạo nghề rất khó khăn, cần phải kiên trì, cầm tay chỉ việc…” - chị Nga bộc bạch. Và hơn 7 năm qua, chưa khi nào người phụ nữ này chùn bước.
Không ngừng đổi mới sản xuất
Ngoài sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trồng nấm tươi, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng còn phát triển thêm dịch vụ in ấn, photocopy, dệt may với sản phẩm chủ yếu là khẩu trang. Còn nhớ giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành những năm 2020 - 2021, HTX đã may, ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch của huyện Sóc Sơn hơn 5.000 chiếc khẩu trang.
Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga tâm sự, cuộc sống luôn vận động không ngừng. Chính vì vậy, bản thân chị luôn phải học hỏi, thay đổi và sáng tạo để thích ứng. Nhận thấy loại hình chế tạo hạt gỗ có khối lượng phế phẩm khá lớn, trung bình mỗi tuần, xưởng mộc của HTX thải ra 3 tấn mùn cưa.
“Để tận dụng lượng mùn cưa thải ra, giảm chi phí sản xuất và hướng đến mục tiêu loại bỏ than tổ ong độc hại, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng sản xuất than sạch không khói từ mùn cưa và các loại phế phẩm trong nông lâm nghiệp…” - chị Nga chia sẻ về ý tưởng.
Nghĩ là làm, cuối năm 2019, chị đã đầu tư máy móc, trang thiết bị. Bên cạnh tìm hiểu kiến thức trên mạng, chị còn đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nguyên liệu dùng cho đốt cháy. Cùng với hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX đã thu gom phế phẩm nông, lâm nghiệp để sản xuất than sạch.
Hiện, khu xưởng rộng 400m2 với gần 10 nhân công (bao gồm nhiều người khuyết tật) đang sản xuất khoảng 2 tấn than sạch/ngày. Than sạch của HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng được đánh giá là loại than “bốn không”: Không khói, không mùi, không độc hại và không chất kết dính. Đặc biệt, quá trình sự dụng cho thấy loại than này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với than tổ ong truyền thống.
“Than tổ ong có giá 2.500 đồng/viên, cháy được khoảng 30 phút. Trong khi than sạch không khói của HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng thì cháy được 2,5 - 3 tiếng. Ngoài ra, than cũng có nhiệt lượng cháy cao hơn…” - chị Nguyễn Thị Nga, chủ một cửa hàng dịch vụ ăn uống tại xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), hiện đang sử dụng loại than này, cho biết.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng đánh giá: Ý nghĩa lớn nhất từ than sạch “bốn không” của HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng nằm ở khía cạnh bảo vệ môi trường. Đây cũng được xem là hành động thiết thực hưởng ứng Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội.
Hành trình không đơn độc
Ít người biết, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng Đinh Thị Quỳnh Nga cũng là một người khuyết tật. Từ khi còn nhỏ, chân phải của chị đã bị liệt, không thể đi lại như người bình thường.
Người phụ nữ sinh năm 1977 bộc bạch, bản thân luôn tâm niệm chỉ có tri thức mới có thể giúp cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì vậỵ, dù không may mắn mang trên mình khuyết tật bẩm sinh, chị vẫn không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, chị Nga mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi, nhưng đều bị từ chối vì khiếm khuyết nhỏ ở chân. Dẫu vậy, chị quyết không đầu hàng số phận. Tự thân tìm kiếm cơ hội kinh doanh, buôn bán trong khi chờ đợi cơ hội đến với mình.
Cơ duyên đến khi chị được nhận vào đứng lớp môn Mỹ thuật tại Trường Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Chứng kiến những đứa trẻ thiếu may mắn, mang trên mình những dị tật bẩm sinh, ra trường đều rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm đã thôi thúc chị Nga phải làm một điều gì đó để truyền nghị lực sống cho các em. Và đó là lý do HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng được ra đời năm 2015.
Đến nay, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng đang cưu mang và giúp đỡ gần 40 nhân công, trong đó phần lớn là người khuyết tật. Doanh thu của HTX trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường khoảng 1 tỷ đồng. Chị Nga chia sẻ, thành quả có được là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều sở, ngành của TP Hà Nội, cũng như các tổ chức trong nước, quốc tế.
Năm 2016, Sở LĐ TB&XH Hà Nội đã công nhận HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng là “Cơ sở sản xuất của người khuyết tật”, cùng với đó là nhiều chế độ dành cho tổ chức chính trị - xã hội vì cộng đồng theo quy định của Nhà nước. Dự án “than sạch không khói” của HTX cũng được tổ chức phi Chính phủ Thriive (Mỹ) ủng hộ, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Mới đây nhất, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng cũng vinh dự là một trong 29 đơn vị được nhận gói hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) dành cho “các DN tạo tác động xã hội ứng phó với Covid-19”. Đây là sự ghi nhận, khẳng định những đóng góp quan trọng về lao động việc làm dành cho người khuyết tật của chị Đinh Thị Quỳnh Nga cùng tập thể HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng trong suốt 7 năm đã qua.
Khi được hỏi về mong muốn sau tất cả những nỗ lực trong thời gian dài đã qua, chị Đinh Thị Quỳnh Nga trầm ngâm một hồi, rồi bảo: “Tôi hy vọng các em khuyết tật rồi sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Mong rằng người khuyết tật cũng sẽ có được nhiều hơn những cơ hội để khẳng định mình trong cuộc sống…”
Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng đã có 8 sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng 4 sao. Bộ sản phẩm hạt gỗ mỹ nghệ của HTX cũng được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.