Trái tim mãi hát – Kể câu chuyện cuộc đời người nghệ sỹ chân chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - NXB Công an nhân dân vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Trái tim mãi hát của nhà văn, nhạc sỹ Nguyễn Đình San. Sách khổ 13x19, dày 362 trang, được trình bày khá bắt mắt.

Sách nói về cuộc đời hoạt động ca hát trải dài gần 50 năm của NSUT Quang Phác – một giọng ca có thể xa lạ với thế hệ trẻ hôm nay nhưng khá thân thuộc với những công chúng ở tuổi ngũ tuần trở lên. Là một nghệ sỹ suốt đời gắn với công việc dạy thanh nhạc, ông không có điều kiện thu âm và biểu diễn trên các sân khấu. Tuy nhiên, ông đã đặc biệt thành công trong việc thể hiện 3 ca khúc : Hồ trên núi (Phó Đức Phương), Hò biển (Nguyễn Cường) và Đảng là cuộc sống của tôi (Nguyễn Đức Toàn).

 
Trái tim mãi hát – Kể câu chuyện cuộc đời người nghệ sỹ chân chính - Ảnh 1

Thực hiện cuốn sách, tác giả Nguyễn Đình San không có ý tôn vinh bản thân giọng hát của Quang Phác, bởi theo như tác giả, nếu thuần túy về tài năng, sức lôi cuốn của giọng hát thì người nghệ sỹ này còn phải nhường vị trí cho nhiều người khác có sức thuyết phục hơn. Tuy nhiên điều khiến tác giả dày công viết cả một cuốn sách giới thiệu về một ca sỹ chưa phải là giọng hát hàng đầu sẽ gây sự tò mò, thú vị cho độc giả.

Cuộc đời của người ca sỹ này có quá nhiều điều đặc biệt. Các giai đoạn cuộc đời ông có một sự đối lập như thiên đường và địa ngục. Đã có lúc ông phải đối diện với cuộc sống bĩ cực tưởng như không lối thoát và có thể đè bẹp tiếng hát của ông bất cứ lúc nào. Vậy mà Quang Phác vẫn ngẩng cao đầu để luôn cất lên tiếng hát lạc quan, yêu đời nhất. Tuy giọng hát của ông hôm nay đã không còn hào sảng như trước do quy luật tuổi tác nhưng người ca sỹ này vẫn vui tươi, ca hát như những ngày tháng viên mãn nhất trong quá khứ đã lùi rất xa.

Bằng lối viết sinh động của một nhà văn từng là tác giả tiểu thuyết Dã tràng xe cát nổi tiếng hơn 20 trước, lại đồng thời là nhạc sỹ sáng tác, nhà lý luận âm nhạc, Nguyễn Đình San đã dẫn dắt bạn đọc đi hết từ ngạc nhiên này đến thú vị khác về một ca sỹ không nổi tiếng với nghĩa thông thường mà ngay cả những người ruột thịt nhất của người trong cuộc cũng chưa biết.

Lối kể chuyện kết hợp với đối thoại, giọng văn khi thì trân trọng, lúc lại hài hược, sự khúc triết của lập luận sóng đôi với vẻ phóng khoáng của văn phong làm cho cuốn sách trở nên sinh động thu hút người đọc.

Cuộc đời đặc biệt của người ca sỹ phải đến mức như thế nào thì Nuyễn Đình San mới có thể nghĩ tới 4 câu thơ của  Chế Lan Viên và dùng làm đề từ, rồi kết thúc cuốn sách của mình : “Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ/Nếu dưới vực sâu còn dũng khí/ Ta trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần