Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên chậm vì sao?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do chưa có trạm biến áp (TBA) 110kV nên việc cấp điện cho khu vực huyện Phú Xuyên hiện nay phụ thuộc vào các TBA 110kV Thường Tín và một số trạm trung gian 35kV khác.

Trong khi do nhu cầu phát triển phụ tải, những TBA này đã đầy tải. Chính vì thế, việc xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên đang trở nên bức thiết.

Dự án đón đầu quy hoạch

Trên cơ sở Quy hoạch chung của Thủ đô, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3996/2015/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên đến năm 2030 và Quyết định số 5517/2015/QĐ - UBND quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện. Với định hướng là một đô thị vệ tinh cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, việc cấp điện trên địa bàn Phú Xuyên phụ thuộc vào các đường dây trung thế 35kV và 22kV từ TBA 110kV Tía (thuộc huyện Thường Tín). Thậm chí, theo đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), thời điểm nhu cầu phụ tải tăng cao phải nhận nguồn điện hỗ trợ từ tỉnh Hà Nam. Các đường dây trung thế có chiều dài lớn, dẫn đến chất lượng điện năng kém, thường xuyên bị cắt điện do quá tải, độ ổn định thấp.
Phần diện tích đất dự kiến xây dựng TBA 110 kV Phú Xuyên. Ảnh: Hữu Trường
Phần diện tích đất dự kiến xây dựng TBA 110 kV Phú Xuyên. Ảnh: Hữu Trường
Trong quy hoạch lưới điện TP, EVN HANOI dự kiến sẽ xây dựng mới trên địa bàn huyện Phú Xuyên 3 TBA 110kV. Dự án TBA 110kV Phú Xuyên là dự án xây dựng mới đầu tiên được phê duyệt (dự kiến khởi công trong tháng 7) với tổng mức đầu tư 279,3 tỷ đồng, bằng vốn vay thương mại. Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án (QLDA) Lưới điện Hà Nội Nguyễn Chí Thanh cho biết: Việc xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên là hết sức cấp bách. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Nhân dân trên địa bàn huyện, sự phát triển nhanh của các phụ tải làng nghề, khu đô thị và công nghiệp, mà còn đáp ứng yêu cầu quy hoạch là chuỗi đô thị vệ tinh và là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô.

Ảnh hưởng không chỉ đến việc cấp điện

Theo ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên, để triển khai dự án, các ngành của huyện và thị trấn đã thực hiện các bước GPMB theo đúng quy trình, niêm yết công khai và thông báo rộng rãi đến người dân. Trong đó, phần diện tích GPMB xây dựng trạm là 3.500m2, liên quan đến 6 hộ, và phần đường dây dẫn diện tích phải GPMB là 10.292m2 (đoạn qua thị trấn Phú Xuyên liên quan đến 22 hộ). 100% những hộ dân thuộc diện nhận bồi thuờng - GPMB đã nhất trí phương án và sẵn sàng nhận tiền đền bù.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là khoảng 40 hộ dân tại tiểu khu Mỹ Lâm - thị trấn Phú Xuyên (nơi đặt TBA nhưng không trong diện có đất thu hồi) có đơn kiến nghị về việc xây dựng trạm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Chính quyền địa phương cùng chủ đầu tư (Ban QLDA Lưới điện Hà Nội) đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để giải thích và làm rõ các cơ sở dự án, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Trong đó, khẳng định dự án không có những ảnh hưởng vượt các quy định về điện trường mà các văn bản pháp quy chuyên ngành của Nhà nước quy định.

Trong buổi đối thoại gần đây nhất, ông Thanh một lần nữa lý giải cụ thể. Trong đó nhấn mạnh, do áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất khi xây dựng công trình điện nên ngay cả trong trạm, điện trường cũng sẽ chỉ là 54 Vol/m, hoàn toàn đáp ứng với tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra. Phần có thể gây ô nhiễm môi trường là dầu máy biến áp cũng được chủ đầu tư xử lý theo đúng quy trình và cam kết dầu máy không thể thoát ra ngoài môi trường…

Trước ý kiến của các hộ dân yêu cầu chuyển dự án đến một địa điểm khác, ông Đỗ Xuân Sinh - Giám đốc Công ty Tư vấn Điện lực Hà Nội cho biết, để lập dự án phải trải qua quá trình thẩm định, lập phương án và phải tuân thủ quy hoạch chung đã được TP phê duyệt. Chính vì thế, những đòi hỏi của các hộ dân tại khu vực tiểu khu Mỹ Lâm làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Điều này không chỉ đồng nghĩa với nguy cơ lãng phí do công trình bị chậm tiến độ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Xuyên trong những năm tới.
Trạm có quy mô lắp đặt 2 máy biến áp 63MVA (trước mắt lắp 1 máy biến áp). Về cơ bản tổng công suất đáp ứng nhu cầu phụ tải đến năm 2020 khoảng gần 100MVA. Đồng thời nâng cao chất lượng, sự ổn định và an toàn cho hệ thống điện, giảm tổn thất của lưới điện; góp phần vào sự nghiệp phát triển của địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần