Kinhtedothi - Gần 100 năm sau khi được đưa về canh tác trên những nương rẫy, sườn đồi nằm ven dòng sông Công thuộc xã Tân Cương, cây chè đã phát triển mạnh mẽ, vươn mình trở thành ngành hàng mũi nhọn, đóng góp ngày một quan trọng cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Về nơi phát tích hội Trà
Theo chân người dân bản địa, chúng tôi tìm về xóm Guộc, xã Tân Cương. Đường về xóm Guộc kéo dài từ tỉnh lộ 470, chạy men theo phía Nam khu du lịch hồ Núi Cốc đã được bê tông hóa khang trang nhưng khó tìm. Ông Phạm Ngọc Việt (SN 1949) – nguyên Bí thư Chi bộ xóm Guộc tiếp chúng tôi bằng chén trà nóng hổi, hồ hởi, nhiệt tình như thể đã quen thân từ lâu. Lúi húi tìm tập tài liệu trong ngăn tủ khi chúng tôi gạn hỏi muốn tìm hiểu về sự tích của cây chè được trồng ở Thái Nguyên, ông Việt bảo: “Nói có sách, mách có chứng. Nhiều năm qua, tôi và một số anh em gắng dụng công để tìm hiểu về nguồn gốc cây chè. Được bấy nhiêu tài liệu đây, các anh xem…”. Ông Việt vừa nói, vừa đưa chúng tôi “mục sở thị” những tài liệu liên quan tới nguồn gốc của cây chè nơi đây.
Từ cứ liệu lịch sử sưu tầm suốt hàng chục năm qua, ông Việt cho biết, khoảng những năm 1920, ông Vũ Văn Hiệt (tên thường gọi là Đội Năm) – người xóm Guộc cùng một số bà con vượt đường xa sang Vĩnh Phú (khu vực hiện nay thuộc tỉnh Phú Thọ) lấy hạt giống chè về trồng. Khoảng 5 năm sau, xưởng sản xuất và chế biến chè đầu tiên ở Thái Nguyên được xây dựng tại đây.
Bà Nguyễn Thị Đào ở xóm Guộc, từng là công nhân hái chè thuê cho xưởng chè của ông Đội Năm, năm nay 91 tuổi nhớ lại, đó là giai đoạn làm ăn rất phát đạt của xưởng chè Đội Năm. Cũng nhờ có xưởng chè của ông Đội Năm mà đời sống nhiều đồng bào dân tộc ngày đó được cải thiện đáng kể. Nhưng cũng chính sự “ăn nên làm ra” của nghề chè đã khiến cuộc cạnh tranh ngành chè trở nên khốc liệt. Nhiều người rời bỏ xưởng chè Đội Năm để ra “làm ăn riêng”. Xưởng chè Đội Năm rơi vào cảnh hoạt động hết sức khó khăn và phá sản vào khoảng những năm 1940.
Cho đến nay, câu chuyện về nguồn gốc của cây chè ở Tân Cương, Thái Nguyên được hầu hết các nhà nghiên cứu và Nhân dân địa phương đồng tình. Ông Đội Năm cũng được coi là “ông tổ nghề chè” của vùng đất này. Theo đó, hàng năm, người dân xóm Guộc đều tổ chức hội làng tưởng nhớ “ông tổ nghề chè”. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lễ hội này bị tạm ngưng. Tới năm 2006, nhờ sự đầu tư của tỉnh nên “Hội chè Xuân Tân Cương” được mở trở lại ở quy mô cấp xã. Năm 2007, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định mở rộng, lấy tên hội là Lễ hội văn hóa Trà Thái Nguyên với quy mô cấp tỉnh. Đây cũng được xem là khởi nguồn của các Festival Trà Thái Nguyên được tổ chức với quy mô quốc gia vào các năm 2011, 2013 và 2015.
Sức sống bên những nương chè
Đang là mùa Đông nhưng những nương chè ở xóm 5 (thị trấn sông Cầu), huyện Đồng Hỷ vẫn trổ những búp non xanh mơn mởn. Ông Hoàng Xuân Thủy – Trưởng ban quản lý làng nghề chè truyền thống xóm 5 (thị trấn sông Cầu) khoe: Cả tỉnh Thái Nguyên có trên dưới 140 làng nghề sản xuất, chế biến chè, nhưng chỉ có sản phẩm của người dân xóm 5 được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề truyền thống Việt Nam tiêu biểu. Để nâng cao giá trị của cây chè, trong những năm qua, Ban quản lý làng nghề đã vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi dần những diện tích chè trung du sang các giống chè cành mới cho năng suất và chất lượng tốt hơn như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Kim Tuyền. Bên cạnh đó, người dân rất quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua cải tạo đất bằng phân hữu cơ và thực vật. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun mưa, giúp tiết giảm chi phí lao động và nguồn nước.
Nhờ nghề sản xuất và chế biến chè, đời sống cư dân ngôi làng ven sông Cầu này đã đổi khác rất nhiều. Cả xóm có 126 hộ thì 100% tham gia trồng chè, ít thì 1 – 2 ngàn mét vuông, nhiều thì lên tới gần chục ngàn mét vuông. Nhờ cây chè, thu nhập bình quân của người dân ở xóm 5 đã đạt trên 35 triệu đồng/năm. Cả xóm có tới 65 hộ giàu, 60 hộ khá giả, và chỉ còn 1 hộ nghèo.
Làng nghề chè truyền thống xóm 5 chỉ là một trong số hàng trăm vùng sản xuất chè đang hoạt động rất có hiệu quả tại Thái Nguyên. Không chỉ thu nguồn lợi từ sản phẩm chè, người dân làng chè truyền thống xóm 5 nói riêng, nhiều vùng chè khác trên địa bàn Thái Nguyên nói chung còn phối hợp với các DN lữ hành tổ chức nhiều tour du lịch cộng đồng về thăm quan làng chè. Bên cạnh có thêm một nguồn thu không nhỏ, điều này còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người nơi đây. Không phải ngẫu nhiên Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam ngày càng thu hút được đông đảo du khách thập phương, trong đó, có hàng chục đoàn khách quốc tế đến thưởng lãm văn hóa trà nơi đây.
Có thể nói, những đổi thay tích cực trong đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên có được chính là nhờ vào tư duy sản xuất ngày một năng động, sáng tạo. Việc trà Thái Nguyên được xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là minh chứng, sự khẳng định mạnh mẽ về hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng của các sản phẩm chè Thái Nguyên.
Gần một thế kỷ bén rễ trên vùng đất xa xưa thuộc xã Tân Cương, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Từ số ít mét vuông chè năm xưa, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 18.000ha chè đang cho thu hoạch. Quan trọng hơn, những nương chè trải dài phủ xanh những sườn đồi đang từng bước mang đến một cuộc sống mới với đầy đủ những gam màu tươi sáng, cùng hy vọng ở một tương lai với nhiều khởi sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Du khách thưởng trà tại Festival Trà Thái Nguyên 2015.
|
Tối 28/11, lễ bế mạc Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ III năm 2015 đã được tổ chức, khép lại ba ngày diễn ra thành công tốt đẹp. Theo thống kê của Ban tổ chức, Festival Trà đã thu hút khoảng 30.000 du khách trong và ngoài nước tham dự. |
Người dân thu hái chè ở thị trấn sông Cầu, Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Tùng
|