Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trạm thu phí không dừng triển khai nửa vời

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/6, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tới đây, các trạm BOT nào chưa hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, dừng thu phí.

Trạm thu phí không dừng triển khai nửa vời

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề cập tới việc thu phí không dừng. Theo đó, năm 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT có đề cập đến việc cuối năm 2019, trạm thu phí không dừng sẽ được thực hiện thực toàn quốc. Tuy nhiên, từ năm 2019 cho đến nay, chúng ta làm thiếu sự kiên quyết, triển khai nửa vời. Nhiều nơi chỉ làm 1-2 luồng trên tổng số nhiều luồng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ phấn khởi khi được biết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu sau ngày 31/7/2022 sẽ phải xả trạm BOT nếu chưa có thu phí không dừng. Việc giải quyết việc thu phí không dừng trên tất cả con đường BOT có mục đích quan trọng hơn, đó là làm minh bạch hơn hoạt động thu tiền, hoạt động tài chính trong việc thu phí giao thông. Qua đây để tìm nguyên nhân của sự ngần ngại triển khai thu phí không dừng của nhà đầu tư.

“Cử tri cho rằng, ở đây có sự gian lận, có lợi ích nhóm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có thật như cử tri nói không và phải có biện pháp gì để ngăn chặn nếu có và từ đó rút ra được những kinh nghiệm gì để triển khai BOT một cách hiệu quả trong giai đoạn tới?” - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, việc triển khai thu phí không dừng là một chủ trương rất đúng đắn. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Một trong những vướng mắc trong thời gian vừa qua khi triển khai các dự án BOT, chúng ta đã xây dựng phương án tài chính thì nhiều dự án không đạt được phương án tài chính theo yêu cầu.

“Hiện nay chúng ta lại phát sinh thêm một nội dung liên quan về các trạm thu phí không dừng nên đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ đã điều chỉnh lại những phương án tài chính cho doanh nghiệp chưa để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư cũng như bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam?” - đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà chất vấn.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, đối với các dự án đầu tư của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thời gian qua xảy ra câu chuyện thực hiện tái cơ cấu không đạt yêu cầu. Thế nhưng, phải đề cập là triển khai thực hiện khó khăn liên quan đến xác định phương án tài chính, các dự án đầu tư của VEC hiện nay không có phương án tài chính liên quan đến trạm thu phí không dừng nên trong những năm qua chúng ta không triển khai được.

Thế nhưng, Bộ trưởng yêu cầu là đến ngày 30/6/2022 mà không hoàn thành việc thu phí không dừng này thì sẽ xả trạm. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ quy định pháp lý nào để thực hiện việc xả trạm này khi không điều chỉnh các phương án tài chính cho các nhà đầu tư. Thực tế, việc liên quan đến nguồn thu phí không dừng này là từ nguồn ngân sách nhà nước để hoàn trả lại cho các nhà đầu tư. Còn nếu thực hiện thực hiện xả trạm như thế này nhưng khi mất tiền ngân sách nhà nước, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) . Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) . Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng đã khẳng định các trạm BOT khi đã hoàn vốn thì sẽ dừng thu phí và ngày 22/4/2020, Bộ trưởng cũng đã trả lời bằng văn bản số 3844 về nội dung kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt, một trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng.

Trong công văn trả lời, Bộ trưởng nói là dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn nhưng đến giờ này trạm thu phí đấy vẫn còn hoạt động bình thường. “Bao giờ trạm thu phí này bất cập này sẽ chính thức được dỡ bỏ?” - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.

Chưa phát hiện lợi ích nhóm

Trao đổi lại với phần tranh luận của các đại biểu Quốc hội, lý giải vì sao trước đây Bộ xác định thời điểm hoàn thành thu phí tự động vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ, theo Đề án của Chính phủ đã giao, mỗi một trạm BOT ít nhất là 2 làn xe, thu phí tự động. Nếu dán thẻ không được nhiều thì việc đi trên các làn đường này cũng khó khăn. Thực hiện dán thẻ từ năm 2016 đến nay mới 3,2 triệu ô tô. Đề án của Chính phủ, tất cả các trạm BT đều có 2 làn xe là thu phí không dừng, đảm bảo đúng theo tiến độ dự án. Tiến độ thực hiện phải từng bước mở rộng dần ra, chứ không thể nào không có thẻ, chưa dán thẻ mà đã làm nhiều thì cũng không thể nào sử dụng được.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm

Lý giải quy định thời hạn đến 31/7/2022 không hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết là dựa trên cam kết của các đơn vị với Chính phủ. Đến thời điểm đó, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm.

Về tái cơ cấu Tổng Công ty đường cao tốc (VEC), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vốn điều lệ của VEC chỉ có 1000 tỷ đồng, còn vay hơn 120.000 ngàn tỷ. Do đó khi tái cơ cấu thì không có thể vay tiếp, dẫn đến nhiều dự án liên quan đến VEC đều dừng không hoạt động được, không thi công được, kể cả là Bến Lức - Long Thành. Do đó, trong kỳ họp này, Quốc hội cũng đã cho cơ chế liên quan cấp phát vốn vay của nước ngoài về cho VEC. Từ đó, VEC có thêm nguồn vốn và có thể huy động vốn hoặc vay ngân hàng.

Trả lời câu hỏi có lợi ích nhóm ở trong BOT này không, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là dự án liên quan tới người dân, rất là nhạy cảm và các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an cũng rất là quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa các cơ quan nhà nước cấu kết với các nhà đầu tư. Bởi vì các nhà đầu tư hầu như độc lập toàn bộ, còn nếu có vấn đề gì bên trong thì cá nhân nào có vi phạm đều sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về dự án trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiến hành rà soát lại để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư với người dân. Khẳng định cơ quan nhà nước không có quyền lợi gì trong này nhưng phải giám sát để làm sao người dân thực hiện nghiên và cũng giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, hợp đồng cũng ký kết qua nhiều giai đoạn, thời thế cũng có thay đổi. Do đó, Bộ rà soát, kiểm tra nếu các hợp đồng đủ điều kiện dừng thì dừng ngay, không để lại trạm nữa.