Tràn lan dịch vụ rửa xe lấn chiếm vỉa hè

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vô vàn dịch vụ đang hàng ngày, hàng giờ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như một vấn nạn, thì những cửa hàng dịch vụ rửa xe gây mất VSMT và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến phố Hà Nội góp phần không nhỏ.

Quy định đã có, tuy nhiên việc vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý triệt để những vi phạm của loại hình dịch vụ này vẫn còn rất hời hợt.

Phớt lờ lệnh cấm

Ngày 21/7/2015 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP. Trong đó nghiêm cấm các hành vi, hoạt động gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường trên hệ thống đường đô thị, bao gồm có hoạt động sửa chữa xe, rửa xe trong phạm vi lòng đường, hè phố.

Rửa xe ngay trên vỉa hè phố Lạc Trung.            

Tuy nhiên hiện nay, hoạt động rửa xe vẫn diễn ra tràn lan ngay trên vỉa hè, thậm chí lấn chiếm cả lòng đường. Tại bất kỳ tuyến đường nào trên địa bàn TP cũng dễ dàng bắt gặp những quán rửa xe ô tô, xe máy. Hàng ngày, trên đoạn dốc Minh Khai lên đê Nguyễn Khoái dài khoảng 200m nhưng có tới hơn chục quán rửa xe ô tô, xe máy san sát nhau. Vào giờ cao điểm, đoạn đường này liên tục tắc. Vỉa hè thì bị các tiệm rửa xe chiếm, vòi phun nước bắc ra tận đường, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều trở ngại.

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều tuyến phố, các điểm rửa xe còn tập trung thành cụm như phố Hoàng Cầu, Võ Thị Sáu, Cao Bá Quát, Lạc Trung... Vào thời điểm đông phương tiện đến rửa, các cửa hàng này chiếm phần lớn vỉa hè, nước thải lênh láng tràn ra mặt đường rất phản cảm và ảnh hưởng đến ATGT.

Bà Lê Thị Hàn, sống tại số nhà 685 mặt đường dốc Minh Khai cho biết, khu vực này vỉa hè rất nhỏ, nhưng lại bị chủ các quán rửa xe chiếm dụng hết nên người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường. “Cống thoát nước trước cửa gia đình tôi phải khơi thông hàng ngày nếu không bùn đất theo nước rửa xe chảy xuống gây tắc nước thải sẽ dềnh lên cả vỉa hè” - bà Hàn cho hay.

Theo anh Dũng, chủ một cửa hàng rửa xe máy trên phố Kim Ngưu, nghề này thu lợi nhuận khá lớn vì vốn đầu tư ban đầu không nhiều nên rất nhiều người muốn mở. “Trung bình mỗi ngày tôi rửa 50 chiếc xe máy, với mức thu 20.000 đồng/chiếc, tính sơ đã có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày. Khi mở cũng chẳng cần đăng ký kinh doanh hay xin phép ai, nước thải cứ để chảy thẳng ra đường cũng chẳng sao. Khi phường đến nhắc nhở thì chỉ cần “trình bày” chút ít là lại có thể tiếp tục làm” – anh Dũng tiết lộ.

Thiếu sát sao xử lý

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 18 năm 2015 của Chính phủ: Dịch vụ rửa xe thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường với các điều kiện nghiêm ngặt về xử lý chất thải, nguồn nước sử dụng… nhưng hiện nay, quy định này gần như bị các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe phớt lờ. Tại rất nhiều cửa hàng rửa xe máy, ô tô, toàn bộ lượng đất thải, nước rửa hòa lẫn bọt xà phòng được thải lênh láng ra vỉa hè, thậm chí cả lòng đường, rồi chảy thẳng xuống hệ thống cống thoát nước chung mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào. Ngoài gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến văn minh đô thị, việc xả thải kéo dài của các cơ sở rửa xe khiến nhiều tuyến cống bị tắc nghẽn bởi đất, cát phát sinh trong quá trình rửa xe không được các chủ cơ sở gom lại. Không những vậy, nhiều điểm rửa xe còn gây cản trở, mất an toàn đối với người và các phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rất rõ, sửa chữa xe, rửa xe trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức. Mặc dù quy định đã được ban hành, việc phát hiện sai phạm cũng không khó, song vấn đề xử lý hiện nay mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Việc xử phạt hành chính lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thuộc trách nhiệm của chính quyền phường mới chỉ hời hợt theo kiểu “phạt cho tồn tại”. Còn xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường hầu như chưa được thực hiện.

Để quản lý tốt loại hình dịch vụ này, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm do dịch vụ này gây ra, chính quyền các phường sở tại và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những điểm vi phạm. Mặt khác siết chặt hoạt động của dịch vụ rửa xe, quy định rõ điều kiện kinh doanh (về mặt bằng, VSMT, nước thải...) nhằm hạn chế tối đa các điểm rửa xe tự phát mọc lên ngày một nhiều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần