Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan đồ chơi bạo lực nhập lậu: Hiểm họa rình rập

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Trung thu đang đến gần, cùng với các mặt hàng đồ chơi truyền thống, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại đồ chơi bạo lực, không có dấu hợp quy (CR), hàng nhập lậu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường đồ chơi trong nước và tác động xấu đến sức khỏe, nhân cách của trẻ em khi sử dụng.

Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ chơi Trung Quốc nhập lậu tại số nhà 4A phố Chả Cá (Hoàn Kiếm). Ảnh: Lê Nam
Đồ chơi Trung Quốc: Đẹp nhưng... độc hại!
Những ngày này, trên các tuyến phố bán đồ chơi trẻ em như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… đã tấp nập khách đến mua sắm. Năm nay, đồ chơi Trung thu cổ truyền như đầu lân, trống cơm, mặt nạ… được nhiều người lựa chọn, bởi được làm từ nguyên liệu an toàn, giá cả hợp lý. Hiện, đèn ông sao loại nhỏ có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc, đèn kéo quân được thiết kế cầu kỳ nên giá bán từ 40.000 - 180.000 đồng/chiếc, trống cơm loại nhỏ từ 40.000 - 50.000 đồng/chiếc, cỡ đại 150.000 - 170.000 đồng/chiếc. Mặt nạ hình con vật hoặc chú Tễu làm từ giấy bồi có giá từ 20.000 - 50.000 đồng/chiếc...
Để ngăn chặn đồ chơi nhập lậu, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, tuyên truyền vận động DN, cửa hàng kinh doanh không buôn bán các loại đồ chơi có yếu tố bạo lực, có khả năng gây sát thương. Ngoài ra, người dân cần nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin tổ chức, cá nhân vi phạm để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San

Mặc dù đồ chơi Trung thu truyền thống đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng nhưng trên thị trường vẫn còn nhiều đồ chơi Trung Quốc nhập lậu được bày bán. Tại cửa hàng đồ chơi “Van Can Toys” trên phố Lương Văn Can, nhân viên giới thiệu khách hàng mua các loại đồ chơi từ xếp hình, búp bê đến các loại máy bay, xe ô tô, người máy, siêu nhân… do Trung Quốc sản xuất bằng nhựa cứng. Không chỉ cửa hàng này mà hầu hết các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Chả Cá… đều trong tình trạng tương tự. Ngay cả một số nhà sách trên phố Thanh Nhàn, Bạch Mai... cũng bày bán đủ các loại đồ chơi, búp bê, súng nhựa, ô tô các loại, máy bay làm từ nhựa dẻo do Trung Quốc sản xuất.

Theo lý giải của những người kinh doanh, do đồ chơi Trung Thu truyền thống chủ yếu là quần áo cổ truyền cho múa lân, áo dài, mặt nạ, trống, đèn ông sao và một số phụ kiện khác, mẫu mã đơn điệu nên không thu hút được trẻ em đến mua, nên các cửa hàng đều phải nhập thêm đồ chơi Trung Quốc đa dạng về kiểu dáng, lợi nhuận cũng cao hơn hàng truyền thống.

Đã thu giữ nhiều đồ chơi nhập lậu

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán đồ chơi Trung Quốc mang tính bạo lực, phản cảm... nhập lậu, những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường các hoạt động kiểm tra các cửa hàng phục vụ Tết Trung thu.

Cụ thể, Cục QLTT TP Hà Nội tiến hành khám xe ô tô BKS 77C-141.13, đã phát hiện 20.000 sản phẩm hàng hóa là đồ chơi trẻ em các loại (gồm ô tô, máy xúc, đồ chơi hình súng…) không gắn dấu CR, có tính chất bạo lực không phù hợp với nhân cách trẻ em. Đây không phải là vụ việc duy nhất lực lượng QLTT phát hiện. Thông tin từ Tổng cục QLTT cho thấy, đầu tháng 8/2019, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã thu giữ hơn 10.000 sản phẩm đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không gắn dấu CR...

Theo Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa, mặc dù biết rõ hành vi kinh doanh đồ chơi nhập lậu mang tính bạo lực, không có dấu CR bị pháp luật nghiên cấm, nhưng vì lợi nhuận nên các đối tượng buôn bán vẫn kinh doanh mặt hàng này. Để qua mắt lực lượng chức năng, chủ kinh doanh thường sử dụng nhiều thủ đoạn như không bày bán công khai đồ chơi bạo lực, điểm chào bán và giao hàng ở 2 địa điểm khác nhau. Một số “đầu nậu” còn sử dụng hình thức kinh doanh lưu động, không cố định tại một địa điểm. Bên cạnh đó, một số “đầu nậu” còn sử dụng thương mại điện tử để giao dịch mua bán đồ chơi bạo lực trên mạng xã hội online, giao hàng đến tận nơi khi khách có nhu cầu mua. “Những thủ đoạn tinh vi này khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh đồ chơi bạo lực, không có dấu hợp quy” - ông Nghĩa chia sẻ.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Trung thu là sản phẩm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng, Tổng cục QLTT đã có Công văn số 1417/TCQLTT- CNV yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là mặt hàng bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2019. Kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.