Gần đây, bộ kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử, có nguồn gốc xuất xứ khác nhau từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với giá hàng trăm nghìn đồng/bộ, tuỳ nơi sản xuất. Nhiều người do nhu cầu cá nhân nên đã tự mua các sản phẩm này về để sử dụng. Còn thực chất là sản phẩm đạt chuẩn hay không thì họ cũng không rõ.
Tại tài khoản Facebook Bùi Thu Hương rao bán tại Cộng đồng dân cư Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên): “Dịch Covid-19 mỗi người nên có một bộ test nhãn hiệu Humasis đã được Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) cấp phép sử dụng để tự check sức khỏe của mình. Giá 1 hộp 690.000 đồng (2 bộ kit). Mua 10 hộp sẽ có giá 650.000 đồng/hộp; loại một lần dùng (1 bộ kit) 260.000 - 350.000 đồng/bộ”. Ngoài ra, trên chợ online còn xuất hiện nhiều người bán sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong... với giá rẻ hơn 50% hàng Hàn Quốc.
Theo quảng cáo, việc lấy mẫu "cực kỳ dễ dàng", người dùng chỉ cần lấy lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính, độ nhạy đạt 89,4% và độ đặc hiệu đạt 100%. Thực tế cho thấy, những tài khoản rao bán trên mạng xã hội các bộ test nhanh Covid-19 đều cam kết "hàng chính hãng, đầy đủ giấy tờ". Thế nhưng khi phóng viên trong vai người mua hàng yêu cầu cung cấp giấy tờ hoá đơn chứng minh nguồn gốc bộ test nhanh, người bán lại nói rằng, hàng do người thân chuyển về, không dùng hết nên bán, vì vậy không hoá đơn chứng từ.
Chị Bùi Thu Hương ở khu chung cư Đại Thanh (Thanh Trì) chia sẻ: "Tôi mua 4 bộ kit test được người bán giới thiệu là hàng Hàn Quốc với giá chỉ 450.000 đồng trên "chợ mạng". Nhưng khi nhận hàng mới biết đây là loại hàng hoá trôi nổi, chưa có kiểm định của ngành y tế Việt Nam. Xem lại bao bì, lại là chữ Trung Quốc".
Xử lý nghiêm các vi phạmĐội Quản lý thị trường (QLTT) số 13 (Cục QLTT TP Hà Nội) vừa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) kiểm tra xe ô tô đỗ tại tòa nhà Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên) phát hiện 400 hộp dụng cụ xét nghiệm nhãn hiệu Q Standard Covid-19 Ag Home Test do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng. Trước đó, ngày 3/6, Đội QLTT số 1 kiểm tra Công ty CP Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, (quận Hoàng Mai) phát hiện 29 hộp test thử nhanh Covid-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp ghi "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA". Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp và khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet.
Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Nguyễn Minh Hùng thông tin, đơn vị đã tăng cường rà soát trên các sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội qua đó phát hiện, xử lý một số đối tượng kinh doanh các bộ kit test không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế cấp phép. Đây là hoạt động quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch Covid-19 để buôn bán trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, thu lời bất chính, ảnh hưởng đến việc phòng, chống Covid-19 của TP cũng như cả nước. Để người tiêu dùng không “tiền mất tật mang” , Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Vì vậy, người dân không nên mua các bộ kit test nhanh Covid-19 chưa được cấp phép lưu thông về tự xét nghiệm, không những không phát hiện ra Covid-19 mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh nếu bị bỏ sót người đã nhiễm bệnh.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học. “Kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, chất lượng những sản phẩm bán trôi nổi trên mạng chưa hề được kiểm chứng và cấp phép. Do đó, người dân mua về không cẩn thận lại rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Theo ông Tuấn, trước tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện tại, người dân không nên hoảng loạn hay hoang mang. Việc cần nhất là bình tĩnh thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.