Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan nạn đổ trộm chất thải để san lấp mặt bằng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc đổ trộm chất thải để san lấp mặt bằng còn là tiền đề của hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý tài nguyên, an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy.

UBND phường Đại Mỗ ra quân xử lý bãi thải trái phép sau phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Quý Nguyễn
UBND phường Đại Mỗ ra quân xử lý bãi thải trái phép sau phản ánh của Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Quý Nguyễn

Vi phạm tràn lan

Đổ trộm chất thải là câu chuyện không mới. Từ rất nhiều năm trước, cảnh tượng những tuyến đường tràn ngập bùn đất, những ruộng vườn ngập đầy rác chỉ sau một đêm vẫn thường xuyên xuất hiện.

Sau mỗi lần như vậy, người khổ nhất vẫn là nhân viên vệ sinh môi trường. Họ đã mất không ít công sức để dọn dẹp những đống chất thải đó, trong khi kẻ đổ trộm đã cao chạy xa bay.

Để ngăn chặn với hành vi đổ trộm chất thải, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như lực lượng chức năng nhiều địa phương đã triển khai không ít giải pháp. Tuy nhiên, giải quyết tận gốc vấn nạn này vẫn đang là một bài toán khó.

Không những thế, trong những năm gần đây, hành vi đổ trộm chất thải ngày càng manh động, tinh vi hơn. Không còn là đổ trộm ra đường, ra ruộng vườn để… tiết kiệm công sức vận chuyển đến các nơi tập kết rác đúng quy định nữa, giờ đây, các đối tượng đổ trộm chất thải đã có sự tính toán, móc ngoặc với nhau, lựa chọn những vị trí đắc địa rồi mới đổ trộm chất thải với mục đích san lấp mặt bằng cho thuê hoặc dựng nhà xưởng, bãi tập kết ô tô, vật liệu trái phép. Việc xử lý những bãi thải trái phép này đang trở thành thách thức không nhỏ đối với chính quyền sở tại.

Một trong những ví dụ điển hình là hai bãi thải lớn tại khu vực hồ Song thuộc địa phận phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Nhiều năm qua, bằng một cách thần kỳ nào đó, hàng ngàn khối chất thải đã âm thầm tập kết để san lấp một phần không nhỏ diện tích hồ Song.

Thậm chí, hai bãi thải đã được san lấp thành mặt bằng và một khu nhà xưởng, lán trại đã mọc lên trên đó từ lúc nào. Điều đáng nói là hai bãi thải này nằm ngay sát Đại lộ Thăng Long, đi trên đường có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Không hiểu sao, bãi thải vẫn tồn tại và ngày càng mở rộng diện tích. Chỉ đến khi sự việc được phát hiện bởi Báo Kinh tế & Đô thị, chính quyền phường Đại Mỗ mới tổ chức lực lượng xuống hiện trường xử lý bằng cách đào mương và rào chắn barie ngăn không cho xe đổ thải tiếp cận.

Ngay cạnh phường Đại Mỗ, khu vực đầu phố Sa Đôi thuộc địa phận phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cũng đang diễn ra điều tương tự. Tại đây, chất thải cũng được đổ một cách có chủ đích nhằm san lấp mặt bằng. Tại khu vực trước cổng chùa Cả Phú Đô, nhiều lều lán, nhà tạm đã mọc lên trên phần mặt bằng được san lấp bằng chất thải.

Đặc biệt, phía giáp ranh Đại lộ Thăng Long, một nhà vườn cây cảnh đã mọc lên từ lúc nào. Phía sau nhà vườn này, tình trạng đổ chất thải để san lấp mặt bằng vẫn tiếp tục diễn ra. Hay như vào cuối năm 2023, tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cũng được nhiều bài báo phanh phui chuyện hàng nghìn mét vuông ruộng ngập nước của nhiều hộ dân nơi đây đã bị đổ chất thải để san lấp mặt bằng rồi nối tiếp nhau mọc lên những bãi tập kết vật liệu, máy móc, thiết bị…

Đừng để nhờn luật

Tình trạng đổ chất thải trái phép để san lấp mặt bằng đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối của Hà Nội, nhất là những xã, phường đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn tỏ ra thờ ơ, lúng túng trong công tác nắm tình hình cũng như đưa ra phương án xử lý vấn nạn này.

Lãnh đạo xã Vân Canh khi trả lời báo chí về việc đất ruộng ngập nước của người dân bị san lấp trái phép trên địa bàn, thậm chí còn không nắm được phần diện tích đất ruộng đã bị san lấp là bao nhiêu bởi “chưa đo bao giờ”. Còn phương án xử lý của địa phương này là “cho dán thông báo không được đổ phế thải xây dựng ra khu vực này” (!?).

Hay như tại phường Đại Mỗ, mặc dù ra quân xử lý ngay sau khi sự việc được báo chí đăng tải nhưng cách xử lý cũng chưa triệt để. Tiêu biểu là toàn bộ nhà xưởng, lều lán và máy móc thiết bị để trái phép trên bãi thải vẫn cho tồn tại mà không tháo dỡ.

Thậm chí, khi lực lượng chức năng đào mương và rào barie, chủ nhà xưởng này vẫn cho nhân viên hoạt động bốc dỡ hàng hóa bình thường. Được biết cách đây 2 năm, địa phương này đã từng ra quân xử lý bãi thải trên bằng cách đào mương, song sai phạm sau đó vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí phát triển gấp nhiều lần trước.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng, tình trạng đổ trộm chất thải để san lấp mặt bằng trái phép không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên đất cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc xử lý tại nhiều địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Bà Bùi Thị An bày tỏ cảm thông với cái khó của các cấp chính quyền nhưng cần phải có biện pháp mạnh đủ sức răn đe.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, để đối phó với tình trạng đổ trộm chất thải, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền và lực lượng chức năng cơ sở, mà điển hình nhất là cảnh sát khu vực.

“Trao quyền cho cảnh sát khu vực nhằm tăng cường tuần tra, giám sát, điều tra, làm rõ những đối tượng đổ trộm chất thải. Thậm chí có thể tăng chế độ đãi ngộ cho cảnh sát khu vực khi phải làm thêm giờ. Cần giải quyết quyết liệt, đến cùng sự việc. Không thể để những đối tượng vi phạm nhờn luật” – PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

 

Đành rằng xử lý vấn đề đổ trộm chất thải này có nhiều khó khăn nhưng khó khăn đến mấy cũng phải làm. Phải làm bằng được để cho bộ mặt Thủ đô thực sự xanh – sạch – đẹp, Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, không thể để hành vi vi phạm cứ tiếp tục tái phạm gây ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân quanh khu vực
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng