Dù TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra các mặt hàng giá trị cao như nấm linh chi, tổ yến, vi cá, táo tàu khô... nhưng thực tế, những mặt hàng không rõ nguồn gốc này vẫn được bày bán tràn lan tại hầu hết các chợ đầu mối, chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ... đang đánh đố người tiêu dùng.
Tổ yến, bào ngư, vi cá mua dễ hơn... rau
Tại khu vực chợ Bình Tây (Q.6), chúng tôi đếm sơ sơ cũng có đến hàng trăm loại thực phẩm khô bán la liệt trên đường như nấm tuyết, sò điệp, bào ngư, nấm linh chi, nấm đông cô, đông trùng hạ thảo, táo tàu, tổ yến, vi cá, hải sâm, rong sâm… trong tình trạng phơi trần với “ba không”: Không nhãn mác, không bao bì, không ghi hạn sử dụng. Đây là những loại thực phẩm được tiểu thương quảng cáo trên trời với công dụng “đại bổ”, có khả năng “cải lão hoàn đồng” (?!).
Các sạp hàng bày bán la liệt tổ yến, nhân sân, nấm linh chi... đều không có nguồn gốc.
|
Hỏi mua tổ yến tại sạp H.H, bà chủ hàng đon đả: “Yến sào của chị là chính gốc. Em coi nè, còn dính lông và phân yến hẳn hoi. Ở đây chị có tất cả các loại yến đang có trên thị trường từ huyết yến, hồng yến, bạch yến, yến vụn... Em mua nhiều chị giảm giá cho”. Cầm một hộp yến khoảng 10 tổ/100gr có giá 2 triệu đồng, xoay ngược xoay xuôi nhưng tôi vẫn chẳng tìm được bất kỳ một thông tin nào của sản phẩm. Bà chủ phân trần: “Hàng này chị lấy nguyên thùng rồi phân lẻ ra để bán giá rẻ cho khách nên chưa kịp in nhãn mác. Nếu em mua nhiều và cần thương hiệu của hãng nào, chị đều đáp ứng”. Ngoài đóng hộp, tổ yến còn được đựng trong bình thủy tinh lớn và cũng không hề có nhãn mác ghi nguồn gốc, công dụng sản phẩm, mặc dù vậy các chủ sạp đều khẳng định chắc nịch: “Tất cả đều là yến sào Khánh Hòa”.
Ở khu chợ này, hầu như tìm mua bất cứ thực phẩm quý hiếm nào cũng đều được đáp ứng. Trong đó, mặt hàng nhân sâm được bày bán như... rau vì được sấy khô, đóng thành gói hoặc mua tươi theo ký và giá rẻ nhất chỉ 800.000đ/150gr tùy theo tuổi sâm, xuất xứ. Tuy nhiên, tất cả những thông tin này đều do chủ hàng cho biết.
Tại một sạp đồ khô ở chợ An Đông (Q.5), khi chúng tôi hỏi mua nấm linh chi, người bán hàng đem ra hai bịch nilông để giới thiệu, kèm theo màn quảng cáo khá ấn tượng: “Chỉ cần đem về xắt lát, hầm với nước nhiều lần có thể bồi bổ sức khỏe, bệnh gì cũng chữa hết, kể cả bệnh... ung thư!”. Mặc dù có công năng thần kỳ nhưng mỗi bịch chỉ có giá từ 500.000đ – 600.000đ/kg tùy loại Hàn Quốc hay Việt Nam. Rảo qua các sạp, cửa hàng bán nấm linh chi, nhân sâm, khách hàng “chóng mặt” vì đủ loại, giá cả chênh nhau hàng chục lần.
Hiện nay, nhân sâm, yến sào, bào ngư, vi cá... được giới văn phòng mua bán rầm rộ qua các trang mạng xã như Facebook, Instagram, blog... và tất cả đều được giới thiệu chung là sản phẩm mình xách tay từ Hàn Quốc, Mỹ, trong những chuyến du lịch, hoặc nhà tự nuôi trồng... và có giá rẻ hơn thị trường từ 10% – 20%. Tuy nhiên, khi đã nhận hàng thì người mua mới “hỡi ơi” vì sản phẩm chỉ có duy nhất vài dòng chữ Trung Quốc. Liên lạc với nơi bán thì họ tuyên bố thẳng là “đã xem hàng trước khi mua” để từ chối việc trả lại hàng.
Đa số là hàng gian, hàng giả
Là người nhiều năm nghiên cứu cách trồng nấm linh chi và phổ biến cách trồng loại nấm này cho nông dân, bà Lê Thị Mỹ Phước - Chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại dịch vụ Ngọc Điểm (xã Bà Điểm, H. Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, ngay cả người trong nghề cũng cần phải có kiến thức nhất định mới có thể phân biệt được nấm linh chi của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc bới chúng rất giống nhau. Hiện nay, tại nhiều chợ và cửa hàng rao bán linh chi trồng tại Việt Nam nhưng thực chất hầu hết là hàng Trung Quốc. Giá nấm linh chi Trung Quốc rất rẻ, chỉ khoảng 150 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, linh chi Việt Nam có giá dao động từ 700.000đ - 1 triệu đồng/kg, tuy nhiên số lượng không nhiều để có thể đáp ứng thị trường. Muốn mua đúng nấm linh chi thật, khách hàng phải đến những cửa hàng có uy tín, thương hiệu; sản phẩm phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng.
Về công dụng của linh chi, bà Mỹ Phước cho biết, trong Đông y, linh chi có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng làm ích tinh khí, mạnh gân tốt, công dụng làm thuốc bồi bổ cơ thể, đặc biệt sử dụng cho những người hay bị đánh trống ngực, mất ngủ, mệt mỏi, hen suyễn, tiêu hóa, viêm gan B rất hữu hiệu. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc trị bách bệnh và có khả năng trường sinh bất lão hay cải tử hoàn sinh như lời quảng cáo.
Theo anh Nguyễn Văn Bảy – hơn 5 năm kinh nghiệm nuôi yến tại nhà ở xã Tam Thôn Hiệp (H. Cần Giờ, TP.HCM), dù yến có “dính lông, dính phân” vẫn không thể khẳng định đó là yến thật, bởi công nghệ làm giả rất tinh vi để lừa người tiêu dùng. Cách dễ dàng nhất để phân biệt tổ yến thật chính là nhìn và ngửi. Tổ yến thật có mùi tanh, ẩm mốc, màu trắng ngà chứ không trong. Còn tổ yến giả rất khó đạt được mùi vị đặc trưng này, chúng thường có mùi lạ, hăng hắc hoặc mùi khác với yến thật.
Khi chúng tôi liên hệ với Công ty TNHH MTV yến sào Khánh Hòa về các sản phẩm yến sào được bày bán trên thị trường tự xưng là “yến sào Khánh Hòa”, đại diện này khẳng định đó là những sản phẩm giả mạo, bởi yến của công ty đều có bao bì, thể hiện nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Chúng tôi có và công bố đầy đủ danh sách hệ thống đại lý, nhà phân phối trên website của công ty” – vị này cho biết.
Theo thông tư liên tịch số 34/2014 có hiệu lực ngày 19/12/2014 về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì tất cả các sản phẩm sản xuất trong nước hoặc đang lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải ghi đầy đủ các nội dung thông tin bằng tiếng Việt; với sản phẩm nhập khẩu thì bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nếu căn cứ theo thông tư này thì những người kinh doanh các mặt hàng không nhãn mác trên đang vi phạm pháp luật mà họ không biết hay đang cố tình như không biết? Câu trả lời xin chờ các cơ quan chức năng.