Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trần Lê Đông - nhà khoa học, doanh nhân đầy bản lĩnh

Phạm Quốc Toàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận bằng tiến sĩ địa chất dầu khí hạng ưu từ Liên bang Xô Viết, Trần Lê Đông về nước nhận nhiệm vụ tại Viện Dầu khí Việt Nam. Năm 1987, ông chuyển công tác đến Xí nghiệp Khai thác, thuộc XNLD Vietsovpetro, với chức vụ Phó Giám đốc - Chánh Địa chất của Xí nghiệp.

Sau đó, ông là Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (trước đây là XNLD Vietsovpetro). Ông tự hào đã cùng tập thể người lao động Xí nghiệp Khai Thác làm việc quên mình để khai thác tấn dầu đầu tiên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ.

Giải pháp khoa học làm lợi hơn 15 tỷ USD

Từ năm 1990 đến năm 1995, Trần Lê Đông được bổ nhiệm Phó Viện trưởng thứ nhất và từ năm 1996 đến năm 1998 là Viện trưởng Viện NIPI thuộc XNLD Vietsovpetro. Trong hơn 8 năm chủ trì công việc nghiên cứu khoa học của Viện, Trần Lê Đông đã gặt hái nhiều kết quả mĩ mãn và thành công về nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công trình nghiên cứu vào hoạt động thực tiễn địa chất dầu khí biển.

Việc XNLD Vietsovpetro phát hiện ra tầng chứa dầu trong móng đá granit trước Đệ Tam ở vùng mỏ Bạch Hổ có trữ lượng lớn ở Đông Nam Á, đã đưa ra một cách nhìn mới mẻ và khả quan, xác định một phương hướng mới trong chiến lược thăm dò địa chất dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Đây là đóng góp có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam và thế giới. Việc phát hiện ra vỉa dầu trong tầng móng đã khó thì việc phải tìm ra giải pháp khai thác nó với hệ số thu hồi dầu lớn nhất, để tận dụng triệt để tài nguyên lòng đất lại là công việc khó khăn hơn nhiều.
Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết gắn Huy hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tiến sĩ khoa học, Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro Trần Lê Đông (năm 2009).

Với cấu tạo địa chất phức tạp của các vỉa dầu có tầng chứa nứt nẻ trong tầng móng chưa có một công trình khoa học nào được đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp thu hồi dầu một cách có hiệu quả. Giai đoạn 1992 - 1993, vấn đề này được đặt ra cấp bách. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện NIPI thuộc XNLD Vietsovpetro đã mày mò nghiên cứu, tìm ra nhiều hướng đi khác nhau. Trực tiếp điều hành công việc này là Viện trưởng - Tiến sĩ Aresep E.G; Phó viện trưởng thứ nhất - Tiến sĩ Trần Lê Đông và Viện sĩ Vakitop G.G. cùng tập thể các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng giám đốc phụ trách địa chất XNLD Vietsovpetro Ngô Thường San. Sau một thời gian nghiên cứu, Viện NIPI đề xuất giải pháp bảo tồn áp suất vỉa tầng dầu trong móng bằng bơm ép nước. Trong thời gian này, nhiều công ty dầu khí nước ngoài và cả chuyên gia dầu khí của ngân hàng thế giới cũng lần lượt vào XNLD Vietsovpetro nghiên cứu thực trạng để tìm giải pháp thu hồi dầu. Khi nghe Tiến sĩ Trần Lê Đông thay mặt Viện NIPI trình bày phương án đề xuất của mình, nhiều chuyên gia nước ngoài không đồng tình, ngay cả một số chuyên gia của Việt Nam cũng tỏ ra do dự, họ khuyên: “Các ông không bao giờ được dùng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, bởi vì trong tầng đá móng của các ông có rất nhiều khe nứt nẻ, nếu dùng phương pháp này lập tức các giếng khai thác khác sẽ bị ngập nước”. Và họ chất vấn gay gắt: “Vỉa dầu ngập, thiệt đơn thiệt kép, mất tiền lớn, ai phải chịu trách nhiệm?”.

Tôi hỏi ông về điều này, tiến sĩ Trần Lê Đông tâm sự:

- Lúc đó tôi cảm thấy thất vọng, bởi trong số đối tượng phản đối này có cả chuyên gia kỹ thuật của Ngân hàng thế giới.

Ngay lúc đó, trong cuộc họp ngày ấy, tiến sĩ Trần Lê Đông đứng dậy, nhìn thẳng vào đôi mắt vị chuyên gia kỹ thuật Ngân hàng thế giới, chất vấn ông ta:

- Thưa ngài, nếu không sử dụng phương pháp bơm ép nước vào vỉa thì xin ngài chỉ cho chúng tôi nên áp dụng phương pháp gì?

Câu hỏi khiến vị chuyên gia kỹ thuật Ngân hàng thế giới đỏ mặt rồi lắc đầu trả lời:

- Chính tôi cũng không biết nữa.

Buổi thảo luận xảy ra rất sôi nổi, nhiều luận cứ khoa học, nhiều câu hỏi phản biện hóc búa được nêu ra nhưng cuối cùng các chuyên gia không thuyết phục được nhau.

Thế là XNLD phải đơn thương độc mã trên đường tìm kiếm giải pháp, trông cậy hoàn toàn vào đội ngũ khoa học - kỹ thuật của mình, những người bạn Nga đã sát cánh, tiếp thêm niềm tin cùng các cán bộ khoa học - kỹ thuật Việt Nam trong XNLD Vietsovpetro tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề án.

Thời điểm đó, Trần Lê Đông và các đồng nghiệp ở Viện NIPI làm ngày làm đêm, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ.

Cuối năm 1993, việc thử nghiệm bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa trong tầng móng của Viện NIPI đã được ứng dụng tại giếng 421 vùng mỏ Bạch Hổ đạt kết quả ngoài mong đợi. Bằng phương pháp bơm ép nước vào vỉa, tính tới cuối năm 2010 đã làm lợi cho hai nhà nước Việt Nam và Liên Bang Nga hơn 15 tỷ USD. Giải pháp này vẫn còn mang lại hiệu quả cho đến ngày nay. Nhiều mỏ của các công ty liên doanh dầu khí ở Việt Nam như mỏ Rạng Đông của JVPC, mỏ Sư Tử Đen của J0C Cửu Long đã áp dụng phương pháp này để thu hồi dầu trong các mỏ của mình một cách có hiệu quả.

Giải pháp khai thác thân trong móng mỏ Bạch Hổ, đặc biệt giải pháp bảo tồn áp suất vỉa bằng bơm ép nước vào vỉa (thân dầu) đã được Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế số 5275 ngày 7/11/2005 và là một trong những nội dung chính thành tựu xuất sắc được Chủ tịch nước tặng giải thưởng danh giá: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, năm 2012. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học đi đôi với ứng dụng vào thực tiễn để tiến sĩ Trần Lê Đông trở lại nước Nga bảo vệ xuất sắc tiến sĩ khoa học địa chất dầu khí.

Quyết đoán trong bão tố

- "Nghe nói siêu bão số 9, tháng 12 năm 2006 đổ bộ vào Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam bộ. Tổng Giám đốc đã quyết đoán, không đóng giếng khoan mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng?" - tôi hỏi cựu Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro.

Cựu Tổng Giám đốc Trần Lê Đông nhớ lại kỷ niệm “siêu bão” ngày ấy, tất cả hiện về như một cuốn phim quay chậm. Đó cũng là một kỷ niệm nhớ đời, theo suốt cuộc đời - năm tháng làm khoa học, làm quản lý của Anh hùng Lao động, doanh nhân, tiến sĩ Trần Lê Đông.

Siêu bão số 9, tên quốc tế gọi là Durian, có nghĩa là Sầu Riêng, hình thành từ biển Philippine ngày 29/11/2006, cường độ cực đại 320km/h, vùng gần tâm bão cấp 14, 15, giật trên cấp 16, dự báo bão sẽ quét qua vùng mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng, đổ bộ vào Việt Nam.

Lẽ đương nhiên, với dự báo đường đi của bão, các giếng khoan phải đóng lại để bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố. Siêu bão có thể thổi tung giàn khoan, làm sập giếng khoan, người lao động trên giàn khoan nếu không sơ tán vào bờ sẽ bị bão tố cuốn phăng, nhấn chìm xuống biển dữ. Tai họa không thể đo lường, đong đếm.

Từ trưa và chiều tối ngày 4, kéo qua sáng ngày 5 tháng 12, bầu trời TP Vũng Tàu mây đen vần vũ, mưa rất to, gió rít từng cơn, sóng biển ào ạt cao 2 - 3 mét xô bờ trắng xóa. Trên các con đường đổ vào thành phố vắng ngắt xe cộ và người đi lại.

21 giờ, Chánh kỹ sư XNLD Vietsovpetro Nguyễn Thúc Kháng điện thoại cho Tổng giám đốc xin lệnh đóng các giếng khoan. Tổng Giám đốc Trần Lê Đông mạnh mẽ, dứt khoát, trả lời:

- Theo thông tin tôi có được thì quỹ đạo của bão có thể thay đổi, sẽ chạy dọc bờ biển phía Nam. Không đóng mỏ, công việc khai thác vẫn diễn ra bình thường. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình! Anh có thể ghi lại quyết định của tôi…

4 giờ sáng, chuông điện thoại đổ liên hồi. Từ Bạch Hổ và mỏ Rồng, các trưởng giàn báo cáo với Tổng Giám đốc Trần Lê Đông: “Mỏ an toàn, vận hành tốt trong bão, dầu vẫn tuôn chảy về trạm rót dầu không bến!”.

Không gì có thể diễn tả được niềm vui sướng tột cùng vào thời điểm đó của doanh nhân, Tổng Giám đốc Trần Lê Đông. Một quyết định trong bão tố mạnh mẽ, táo bạo, quyết đoán và thành công.
Sau gần 4 năm chống chọi với bệnh ung thư quái ác, bên bờ biển Vũng Tàu xinh đẹp vào lúc 19 giờ 14 phút ngày 7/10/2021, Anh hùng Lao động, Tiến sĩ khoa học địa chất dầu khí Trần Lê Đông, nguyên Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (trước đây là XNLD Vietsovpetro) đã nhẹ nhàng ra đi về với thế giới người hiền. Ông là biểu tượng của bông hoa đẹp tình hữu nghị Việt - Xô trước đây, Việt - Nga hôm nay, để lại sự cảm mến và thương tiếc của nhiều người trong và ngoài ngành dầu khí.