Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng cho trẻ

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trong đời thực. Đây là giai đoạn lứa tuổi có sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều biến động và thiếu tính ổn định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: rivcosafe.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: rivcosafe.org)

Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng”. Báo cáo mới này cho thấy trẻ em ở Việt Nam đang bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng, nhưng các em không báo hay trình báo về việc đó.

Theo kết quả khảo sát, phần lớn trẻ từng bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc này với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc hoặc một kênh chính thức như công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ ngại nói về chủ đề khá nhạy cảm này.

Báo cáo cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng khá lớn. 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua. Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Việc thiếu thông tin về tình trạng bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng do sự kỳ thị và thái độ không khuyến khích thảo luận về tình dục, đặc biệt là với trẻ em. Mặc dù điều này có thể hiểu được trong một chừng mực nào đó, nhưng nếu không có thông tin, trẻ sẽ không nhận thức được rủi ro, hoặc khi nào và làm thế nào để tìm kiếm giúp đỡ. Sự kỳ thị từ cộng đồng cũng có thể ảnh hưởng đến những trẻ tiết lộ về việc bị xâm hại hoặc khuyến khích nạn nhân không kể lại, trình báo về việc đó. Điều này càng làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các em…

Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga, bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là một hiểm họa không biên giới. Việc thu thập bằng chứng rõ ràng, xây dựng cơ sở có chất lượng cần được coi là nhân tố trung tâm trong việc hoạch định chiến lược để giải quyết nguy cơ cho trẻ em. Đối với các khuyến nghị từ báo cáo này, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan sẽ có những nỗ lực xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và cùng hợp tác để giải quyết các mối đe doạ đối với trẻ em. Đặc biệt là vai trò của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em đặc biệt lưu ý các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Đơn cử như Điều 33 Nghị định 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em nêu rõ: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân, số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em…

Các chuyên gia cho rằng, trẻ cần có sự chia sẻ, thống nhất với bố, mẹ và nghiêm chỉnh chấp hành những nguyên tắc sử dụng Internet, các thiết bị điện tử. Cùng với đó là cài đặt quyền riêng tư, hạn chế người xem với các tài khoản mạng xã hội của mình. Không cho người khác biết mật khẩu tài khoản mạng xã hội của mình trừ người thân như bố, mẹ. Thậm chí, trẻ cần được dạy kỹ năng không đăng tải bất kỳ thông tin riêng tư, hình ảnh tự sướng hở hang hoặc những bài viết không phù hợp lên mạng xã hội.

Ngoài ra, trẻ không có trách nhiệm cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc cho người khác nhìn mình qua webcam. Tuyệt đối không đi chơi với bạn quen trên mạng mà không có sự đồng ý của bố, mẹ. Hãy bỏ qua, chặn và báo cáo những tài khoản có những bình luận, gửi tin nhắn bắt nạt, bôi nhọ mình hoặc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm… 

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” trên địa bàn TP Hà Nội nhằm lan tỏa giá trị văn hóa pháp lý trên môi trường mạng, xây dựng thói quen tích cực của người sử dụng trên không gian mạng...

Ban Tổ chức cuộc thi TP Hà Nội đã thông báo kết quả 30 video clip đạt chất lượng để tham gia bình chọn. Thời gian bình chọn bắt đầu từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 1/10/2022 trên website cuộc thi https://timhieuphapluatmoitruongmang.hanoi.gov.vn