Trắng đêm lo bão chồng bão

Nghiêm Hà - Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa kịp tái thiết cuộc sống sau cơn bão số 9, người dân miền Trung lại cuống cuồng lo đối phó với cơn bão số 10. Trên mỗi gương mặt người dân vùng bão đều hằn rõ nét âu lo.

 Người dân xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chằng chống nhà cửa để ứng phó bão số 10. Ảnh: Nghiêm Hà
Thấp thỏm âu lo

Nghe tin cơn bão số 10 cận kề, bà Nguyễn Thị Trang (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lo lắng, thức gần trắng đêm.

“Bão số 9 vừa rồi thật kinh hoàng, ai nấy đều sợ cả, mái ngói, mái tôn bị gió cuốn đi bay vù vù, cây cối thì ngã đổ, bật gốc. Tôi chưa bao giờ thấy cơn bão nào mạnh đến như vậy. Đã vậy khi nghe tin bão số 10 còn mạnh hơn nữa nên không tài nào ngủ được” - bà Trang chia sẻ.

Trong 2 ngày qua, người dân xã Tam Quang hối hả chằng chống lại nhà cửa, quán xá nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra. Với người dân vùng biển, biển là nguồn sống, là bạn nhưng khi có thiên tai đây lại là nơi phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

“Bão số 9 vừa rồi lớn quá, thiệt hại nhiều quá, nhà tôi là nhà tranh nên chỉ chốc lát đã bị cuốn phăng mái nhà. Giờ mới vừa làm lại xong đã nghe tin bão số 10 đến. Dù có thông tin nó đã chuyển hướng về tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa nhưng mà vẫn lo lắm, mất ăn mất ngủ hôm qua giờ” - ông Nguyễn Đình Thụy chia sẻ.

Ở Quảng Ngãi, một tuần sau bão, nhiều ngôi nhà còn chưa kịp sửa, nhiều trường học còn chưa kịp đón học sinh trở lại thì người dân lại tốc lực chuẩn bị ứng phó với bão số 10.

Đã một tuần không ra khơi, gia đình bà Bùi Thị Thước (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) tranh thủ duỗi thẳng lưới trước nhà. Hai ngày nay, nghe tin bão Goni tạo sóng lớn, gia đình phải hoãn ra biển. "Trông cho biển ngừng động để ra khơi kiếm ít con cá, con mực... Vợ chồng tôi làm biển gần bờ, ngày nào cũng phải làm mới đủ chi tiêu" - bà Thước nói.

Khẩn trương di dời dân

Để ứng phó với bão số 10, ngoài việc chỉ đạo người dân chằng chống nhà cửa, từ chiều 3/11, các huyện miền núi tại Quảng Ngãi như: Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây đã tiến hành di dời dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng vận động người dân nếu không có việc cấp thiết tuyệt đối không rời khỏi nơi tránh trú để quay về nhà.

Tại huyện Sơn Hà, theo thống kê có 8 điểm sạt lở nằm các huyện, thị trấn. Trong đó, điểm sạt lở ở tổ dân phố Nước Nia, thị trấn Di Lăng là nghiêm trọng nhất.

Ngay từ sáng sớm, vợ chồng ông Đinh Văn Mền (tổ dân phố Nước Nia, thị trấn Di Lăng) đã chuẩn bị vật dụng cần thiết, quần áo để đến nơi kiên cố.

“Khu vực này một bên vực sâu, một bên núi cao. Mấy ngày liền trời mưa nên dễ có sạt lở, mình ở lại nguy hiểm nên phải chuyển đi an toàn” - ông Mền cho biết.

Hiện chính quyền địa phương đã hoàn thành việc di dời khẩn cấp 31 hộ dân với 130 người ở khu vực này.

Tại huyện Sơn Tây, chính quyền địa phương cũng cấp tốc tổ chức di dời, sơ tán dân đến khu vực an toàn. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, năm nào địa phương cũng xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ. Trong đợt bão số 9 vừa rồi, địa phương này xảy ra 3 điểm sạt lở lớn, vùi lấp nhiều xóm làng. Tuy nhiên, tất cả người dân đã di dời đến khu vực tránh trú sạt lở từ trước. Ứng phó bão số 10, huyện tiếp tục sơ tán 630 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu tại 52 điểm có nguy cơ sạt lở.

Còn tại huyện Ba Tơ, địa phương này cũng đã khẩn cấp di dời 300 hộ dân nằm ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở núi ở xã Ba Giang.

Theo Chủ tịch UBND xã Ba Giang (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) Trần Thị Thanh Thúy, toàn xã vừa di dời khẩn cấp 75 hộ, hơn 300 nhân khẩu đến nơi an toàn trước bão số 10. Việc di dời dân được tiến hành khẩn cấp do vết nứt núi điểm Nước Lô và Gò Khôn (xã Ba Giang, huyện Ba Tơ) đang tiếp tục lan rộng, phát sinh nhiều điểm sạt mới và đe dọa các hộ dân. Đến hiện tại, điểm sạt lở này đã kéo dài đến khu vực điểm trường mầm non Ba Giang tại thôn Nước Lô. UBND xã Ba Giang đã di dời 27 hộ dân thôn Nước Lô có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở núi đến khu vực an toàn, công trình kiên cố để tránh trú. Tại điểm sạt lở núi Gò Khôn đang đe dọa 28 hộ dân và UBND xã cũng đã yêu cầu di dời toàn bộ người dân nơi đây đến khu vực an toàn.

Ngoài ra, tất cả học sinh các trường học trên địa bàn xã Ba Giang đều được nghỉ học do nguy cơ sạt lở núi phía sau trường học. Đối với thôn Ba Nhà (xã Ba Giang) hiện đã hoàn toàn bị cô lập, không thể lưu thông. UBND xã Ba Giang đã yêu cầu 20 hộ dân có nguy cơ vùng sạt lở di dời đến các địa điểm an toàn trong thôn. Người dân không nên tự ý di chuyển hoặc đi đến đến các vùng cảnh báo nguy cơ.

Theo Chủ tịch UBND xã Ba Giang, hiện toàn bộ trụ sở cơ quan phải mượn nhà dân để làm việc. Đối với Trạm Y tế xã Ba Giang cũng phải di chuyển đến địa điểm mới vì nguy cơ sạt lở núi đe dọa.