Trang nghiêm lễ Thượng cờ bên bờ sông Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông 2018

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ Thượng cờ vào dịp 30/4 hàng năm không chỉ để tôn vinh đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa giang sơn về một mối, mà còn là dịp để mỗi người cùng nhau ôn lại ký ức một thời hào hùng và bi tráng, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông. Ảnh VOV

Sáng nay (30/4), tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị tổ chức trọng thể lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018), 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2018).
Trong không khí trang nghiêm và nền nhạc Quốc ca hào hùng, lá cờ đỏ sao vàng rộng 7 mét, dài 10,5 mét được từ từ kéo lên đỉnh Cột cờ Hiền Lương lịch sử, thể hiện cho niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của dân tộc và niềm tin, ý chí, sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Hàng nghìn người dân về dự lễ đã cùng chứng kiến thời khắc đầy ý nghĩa, thiêng liêng và xúc động này.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Geneve được ký kết tháng 7/1954, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt 2 miền đất nước. Trong suốt 21 năm đất nước bị chia cắt, lá cờ trên kỳ đài Hiền Lương vẫn luôn tung bay trong bom đạn hủy diệt của kẻ thù như niềm kiêu hãnh của một dân tộc thà hi sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, dưới chân kỳ đài Hiền Lương lịch sử, bên dòng sông Bến Hải - Hiền Lương, biểu tượng sáng ngời của niềm tin, khát vọng thống nhất non sông, chúng ta được sống lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang nhưng cũng đầy bi tráng của dân tộc. Đồng thời khẳng định, ngọn cờ đỏ sao vàng rực lửa và máu bên bờ sông này chính là niềm tin, ý chí, là sức mạnh không bao giờ gục ngã của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu thần thánh đó.
Đông đảo người dân tham gia Lễ hội ''Thống nhất non sông'' tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Báo Quảng Trị

Sau lễ Thượng cờ, đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc như: Giải đua thuyền truyền thống tại bờ Bắc sông Hiền Lương với 14 đội đua; trong đó có 8 đội nam và 6 đội nữa đến từ 9 huyện, thị xã, TP trên địa bàn. Giải đua thuyền được tổ chức nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Hội Bài chòi được đưa vào tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân miền Trung, Hội Bài chòi được tổ chức đã đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của người dân…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần