Tranh cãi về Uber, Grab: Câu chuyện sắp đến hồi kết?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Bộ Công an đã có văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về đề án Thí điểm ứng dụng xe hợp đồng điện tử (gọi tắt là đề án thí điểm Uber, Grab).

Theo đó, Bộ Công an nêu ra một loạt những bất cập trong quá trình thí điểm Uber, Grab, đồng thời đề nghị cần ấn định thời gian cụ thể đối với từng đề nghị của Bộ GTVT trong đề án thí điểm này, không thể kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết.

Liên tục bị kiến nghị dừng thí điểm

Đây không phải lần đầu tiên có cơ quan lên tiếng về những bất cập trong việc thí điểm Uber, Grab của Bộ GTVT. Trước đó, vào cuối tháng 9/2017, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đã từng có kiến nghị gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và các bộ, ngành, địa phương liên quan đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm Uber, Grab vì những hệ lụy của kế hoạch thí điểm này gây ra nhiều bất an cho xã hội. Đặc biệt là việc Bộ GTVT không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm khiến cho số phương tiện tăng lên tới 50.000 xe chỉ trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ GTVT đã “bác” đề xuất trên vì cho rằng, việc thí điểm này là phù hợp với các quy định và thẩm quyền giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm thuộc về các địa phương chứ không phải của đơn vị này.
 Sử dụng phần mềm taxi Grab ngày càng phổ biến trong người dân.
Mới đây nhất, ngày 9/3, Hiệp hội taxi của 3 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (gọi tắt là 3 hiệp hội taxi) lại tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm Uber, Grab của Bộ GTVT. Theo đó, 3 hiệp hội taxi không đồng tình với đề xuất tiếp tục gia hạn thí điểm Uber, Grab của Bộ GTVT. Bởi lẽ, hành lang pháp lý hiện nay vẫn chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, chưa sửa chữa các sai sót, sơ hở đã và đang gây xáo trộn thị trường vận tải, tạo nhiều hệ lụy và bất ổn cho xã hội. Văn bản đã chỉ ra những bất cập, sai sót trong quá trình thực hiện thí điểm Uber, Grab của Bộ GTVT như: Không giới hạn số lượng phương tiện, quản lý logo nhận diện của phương tiện tham gia thí điểm; không quy định xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hành khách; gây thất thu cho ngân sách Nhà nước... Thậm chí, 3 hiệp hội taxi còn đưa hẳn ra số liệu thống kê về số đầu xe Uber, Grab và số tiền nộp thuế của 2 đơn vị này trong tương quan so sánh với một số hãng taxi truyền thống. “Số lượng phương tiện của Uber, Grab đã lên tới hơn 60.000 xe, gấp 1,8 lần số lượng xe taxi của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng số nộp ngân sách của Uber, Grab trong suốt 4 năm (từ 2014 đến tháng 10/2017) chỉ là 285 tỷ đồng, chỉ tương đương số nộp của taxi Vinasun trong 9 tháng năm 2017 (258 tỷ đồng) và chỉ bằng 1/5 số nộp của Vinasun nếu tính từ năm 2014”- văn bản của 3 hiệp hội taxi dẫn chứng.

Từ những phân tích trên, 3 hiệp hội taxi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT có quy định tạm thời thay Quyết định 24/QĐ-BGTVT trong thời gian chờ đợi Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Theo 3 hiệp hội taxi, nếu tiếp tục kéo dài thí điểm Uber, Grab khi chưa có sự sửa đổi, điều chỉnh để đảm bảo tính pháp lý sẽ làm hậu quả thêm trầm trọng hơn. Bởi, hiện nay một nửa đơn vị taxi thành viên của Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh đã tan rã, số xe giảm 30%. Tại Hà Nội, số đầu xe taxi cũng giảm 35%.

Nhiều ưu việt nhưng cần rõ ràng

Câu chuyện tranh cãi về Uber, Grab bắt nguồn từ việc định danh một cách chính xác nhất đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này. Trong khi nhiều cơ quan chuyên môn cũng như giới chuyên gia và luật sư cho rằng, đây là hình thức kinh doanh vận tải hành khách thì phía Uber, Grab lại khẳng định họ chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối gọi xe. Chính điều này tạo ra nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động của Uber, Grab dù đã tiến hành thí điểm được hơn 2 năm.
Taxi truyền thống hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Phạm Hùng
Tưởng chừng như câu chuyện tranh cãi trên sẽ chưa thể có hồi kết thì trong cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (để thay thế cho Nghị định 86 của Chính phủ), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, bản chất hoạt động của Uber, Grab tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh vận tải taxi kết hợp ứng dụng công nghệ. Do đó, dự thảo thay thế Nghị định 86 phải làm thật chặt chẽ và cần đưa ra các quy định, chế tài để các đơn vị này hoạt động đúng theo quy định pháp luật của Việt Nam, các quy định của WTO; đảm bảo chế độ chính sách quyền lợi cho lái xe, người lao động theo pháp luật Việt Nam cũng như có trách nhiệm đối với các hoạt động của lái xe.

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Đại học GTVT, cho biết: “Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về quan điểm nhận diện Uber, Grab là loại hình dịch vụ vận tải hành khách. Việc nhận diện chính xác mô hình dịch vụ cũng quan trọng như nhận diện công dụng của thuốc chữa bệnh. Phải xác định rõ đó là thuốc gì, dùng để chữa bệnh gì”- GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Đánh giá về Uber, Grab, ông Từ Sỹ Sùa cho rằng, đây là loại hình kết nối sử dụng công nghệ hiện đại có rất nhiều ưu việt giúp nhiều người được hưởng lợi. Khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình, đồng thời vấn đề giá cước, thời gian chờ đợi cũng được minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, đối với Uber, Grab cũng còn một số vấn đề cần quan tâm là lợi ích của Nhà nước (có thu được đủ thuế hay không, có kiểm soát, quản lý chặt chẽ được không) và môi trường kinh doanh có được bình đẳng so với taxi truyền thống hay không? “Đặc biệt, hiện nay vấn đề về quyền lợi của hành khách và lái xe Uber, Grab vẫn chưa có hành lang pháp lý quy định rõ ràng. Trong trường hợp khi sự cố xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách và lái xe thì chưa có quy định nào đảm bảo được quyền lợi cho họ”- GS.TS Từ Sỹ Sùa nhận định.

“Một bên là thực tiễn hoạt động của Uber, Grab rất sôi động, một bên là một số quy định về điều kiện kinh doanh trong Nghị định 86 giờ không còn phù hợp nữa. Vừa rồi tôi nghe Bộ trưởng Thể nói rằng, nếu như Uber, Grab không đáp ứng được các điều kiện thì không thể kinh doanh được ở Việt Nam. Điều này là rất mạch lạc, phù hợp với thực tế. Người dân cũng trông đợi những cách xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước để sao cho thị trường taxi sẽ sôi động hơn, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn”- một chuyên gia trong ngành giao thông nhấn mạnh.

Uber, Grab nước ngoài cũng phải có logo, dán tem mào

“Ở các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ đều có yêu cầu bắt taxi công nghệ hay truyền thống đều phải có logo, tem mào như nhau. Chỉ khác nhau ở cách kết nối và giá thành. Xe của Grab, Uber cũng cần có quy định về màu sắc, kích thước, vị trí niêm yết trên xe, bảo đảm dễ dàng nhận biết để phục vụ quản lý, tổ chức giao thông và xử lý vi phạm. Grab, Uber chính là DN kinh doanh dịch vụ vận tải, chứ không phải là đơn vị chỉ thuần tuý cung cấp ứng dụng phần mềm. Chúng tôi mong muốn Grab, Uber hoạt động tại Việt Nam, phải tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh”. - Ông Nguyễn Xuân Tuấn Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần