Lãi suất cho vay còn cao
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh cho hay, lãi suất huy động lao dốc mạnh, chỉ còn 1/2, thậm chí 1/3 so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi suất cho vay giảm rất chậm, chưa tương xứng. Khi bà Thanh hỏi thì nhân viên tín dụng một ngân hàng thì họ đưa ra rất nhiều lý do là khoản huy động cũ vẫn còn nên giá vốn còn cao hay lãi suất cho vay là trên cơ sở thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay và tùy theo khẩu vị rủi ro...
Tương tự, ông Trần Vĩnh Sơn, chủ một cơ sở sản xuất gỗ (Minh Khai, Hai Bà Trưng) cho rằng, hiện ngân hàng huy động với mức lãi suất xuống thấp chưa từng có, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, mua nhà ở với mức lãi suất dao động từ 5,3-8,5%/năm, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn và trung hạn. Trong khi đó, với các khoản vay dài hạn, DN vẫn đang phải vay với lãi suất từ 10%/năm trở lên. "Tôi ủng hộ việc công khai cụ thể lãi suất cho vay để người vay có cơ sở so sánh và chọn lựa" - ông Sơn đề nghị.
Hiện nay trên website một số ngân hàng đã công khai "lãi suất cho vay cơ sở". Tuy nhiên mỗi ngân hàng công bố một cách khác nhau. Tại Sacombank, lãi suất vay cơ sở với VND kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 4-6 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng là 7,7%/năm, còn trung dài hạn là 8,5%/năm.
ACB cũng công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống từ ngày 2/10/2023 là 8,7%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng lãi suất cơ sở này được áp dụng đối với các khoản vay có lãi suất tại kỳ tái định được tính theo biểu lãi suất cho vay tại ACB. "Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chi nhánh/phòng giao dịch gần nhất để được tư vấn cụ thể"- ngân hàng này lưu ý.
Trước đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đều cho biết, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng… lâu nay đều được công khai. Tuy nhiên, đối với khách hàng DN có đặc thù riêng, lãi suất phụ thuộc tổng thể vào lợi ích từ phía các tổ chức, nên mức lãi suất cũng sẽ không giống nhau, dẫn tới rất khó có mức bình quân.
Quan trọng là DN có tiếp cận được vốn không?
Theo các chuyên gia, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn. Tuy nhiên, một số ngân hàng ngân hàng kêu khó thực hiện, có thể bị khách hàng phản ứng và cần hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, NHNN khẳng định “đó là chỉ đạo đúng đắn” nhằm tạo điều kiện để các DN, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất cho vay thấp.
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, lãi suất huy động cần sự nhất quán thực hiện trong hệ thống ngân hàng nên việc công bố là cần thiết và đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Trong khi đó, lãi suất cho vay là câu chuyện thị trường giữa bên vay và bên cho vay dựa trên nhiều yếu tố và thời điểm.
“Cùng một khách hàng/dự án mà lãi suất có thể không giống nhau. Các yếu tố quyết định lãi suất cho vay là xếp loại khách hàng, tài sản bảo đảm, tính chất rủi ro. Do đó, việc công khai lãi suất cho vay là một khó khăn đáng kể cho ngành ngân hàng, có thể dẫn đến tình trạng đối phó trong thực hiện” - ông Đức chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, để thuận lợi cho DN và người dân tính toán được mức lãi suất khi tiếp cận vốn tín dụng, các ngân hàng có thể công khai về quy trình tính toán lãi suất cho vay. Chẳng hạn, ngân hàng đưa ra một mức lãi suất tham chiếu theo số tiền vay và thời hạn. Còn để tính toán ra mức lãi suất vay thực tế, cần có các thông tin khác về lĩnh vực kinh doanh, tài sản bảo đảm để “cộng, trừ” so với lãi suất tham chiếu.
Chủ DN xuất khẩu các mặt hàng dệt may ở Hoài Đức (Hà Nội) Nguyễn Thành Nghĩa đề xuất, lãi suất dựa trên nhiều yếu tố và là thỏa thuận của DN với ngân hàng. Nếu lãi suất bình quân được công khai thì người đi vay sẽ có yếu tố tham chiếu và có lợi hơn khi đàm phán. Tuy nhiên, theo DN này, điều cốt lõi là DN phải chứng minh được năng lực và cho ngân hàng thấy uy tín của mình. “Nếu không dù muốn vay ngân hàng công khai lãi suất thấp nhưng người vay cũng không dễ tiếp cận”- anh Nguyễn Thành Nghĩa nhận định. Đồng thời cho biết, để DN vay được vốn ngân hàng thì 70% quyết định phụ thuộc vào tài sản đảm bảo, uy tín DN, còn 30% còn lại "phụ thuộc cảm tính" của ngân hàng.
Các ý kiến cho rằng, công khai lãi suất, quan trọng là cần giảm lãi suất thực chứ không phải trên lời nói, hoặc giảm lãi suất kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", giảm lãi suất nhưng tăng các loại phí, rồi kèm gói bảo hiểm…