Sáng tạo trên nền tảng di sản văn hóa truyền thống
Triển lãm “Dân gian trong Gen Z”, đang diễn ra tại Khu trải nghiệm, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (đến ngày 31/7), giới thiệu 39 tác phẩm của 3 họa sĩ sinh ra đầu thế kỷ XXI.
“Dân gian trong Gen Z” không chỉ là một triển lãm nghệ thuật đơn thuần, mà còn là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam trong tâm hồn thế hệ trẻ.
Là người con Hà Nội, đang sinh sống ở Boston, Mỹ, họa sĩ Meaptopia có kho tàng cảm hứng đồ sộ về cuộc sống ở quê hương, từ phở, cơm tấm, bánh mỳ của ẩm thực đường phố đến sự dở khóc dở cười khi tham gia giao thông. Họa sĩ đã khéo léo khắc họa những điều đó bằng phong cách truyền thống, tạo nên các hình ảnh hài hước đậm văn hóa Việt.
Tham gia triển lãm, Meaptopia gửi tới công chúng tác phẩm “Đông Mèo” lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ - một trong những dòng tranh dân gian gắn liền với cuộc sống người Việt nhiều thập kỷ.
Qua góc nhìn của họa sĩ trẻ, vẫn là những nét quen thuộc của tranh dân gian, nhưng điểm mới lạ là khắc họa khoảnh khắc vui nhộn, lém lỉnh của các chú mèo. Sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật dân gian với góc nhìn hiện đại đã góp phần mang giá trị truyền thống đến gần khán giả ngày nay.
Trong khi đó, ấn tượng và bị thu hút bởi các yếu tố mỹ thuật mà hát bội đem lại, từ các gương mặt được hóa trang, tô vẽ đến các bộ trang phục, mũ mão..., qua thời gian dài tìm hiểu bộ môn này, họa sĩ Phương Vy (nghệ danh Vei Vei, sinh năm 2002) lần lượt cho ra đời các tác phẩm "Bội Tự” và “Bội Ký”.
Với “Bội Tự”, các thuật ngữ, biểu tượng đặc trưng của hát bội được minh họa lại dưới dạng con chữ. Nối tiếp sự ủng hộ của cộng đồng dành cho “Bội Tự”, "Bội Ký" là những tìm hiểu sâu hơn của nghệ sĩ về các vở tuồng tiêu biểu và các thuật ngữ đã được giới thiệu trước đó.
Phương Vy chia sẻ, trong quá trình tìm hiểu, các thể loại diễn xướng của nghệ thuật truyền thống đã đặc biệt thu hút cô. Trong đó, hát bội là thể loại tạo cho cô nhiều cảm xúc nhất, nhất là cách trang điểm, vẽ mặt các nhân vật.
“Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ Gen Z như tôi vẫn đang rất quan tâm tới văn hóa truyền thống. Và mỗi người đều có thể gìn giữ bản sắc văn hóa Việt theo cách riêng của mình. Với tôi là đưa những nét độc đáo từ văn hóa truyền thống vào thiết kế và hội họa. Một số bạn trẻ theo đuổi con đường âm nhạc đã đưa những tiết tấu của nhạc cụ dân tộc vào tác phẩm một cách sáng tạo. Rồi những bạn làm ở mảng thời trang hay điện ảnh… Tất cả đều có thể thành công nếu biết tận dụng tốt những tài nguyên từ kho tàng văn hóa dân tộc của chúng ta”- Phương Vy cho biết.
Mạch nguồn chảy mãi
Hội họa lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Đây là xu hướng tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tạo ra những sản phẩm sáng tạo độc đáo, ấn tượng.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, các tác phẩm tại triển lãm cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc như mạch nguồn chảy mãi dưới sự sáng tạo của các họa sĩ trẻ thế hệ Gen Z. Qua đó đánh dấu sự tiếp nối và phát triển văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị di sản qua mỗi thế hệ, góp phần làm phong phú và đa dạng hóa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.
Giới trẻ ngày nay lớn lên trong thời đại công nghệ số, tiếp xúc nhiều với văn hóa toàn cầu, tuy nhiên, họ vẫn luôn hoài niệm về những giá trị truyền thống của dân tộc. Nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm và tìm đến văn hóa dân gian như một nguồn cảm hứng mới mẻ và độc đáo, từ đó thể hiện sự sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, thời trang, phim ảnh, hội họa.
Quản lý dự án triển lãm “Dân gian trong Gen Z” Bùi Ngọc Xuân chia sẻ, chị nhận thấy sự thay đổi của giới trẻ trong các nội dung văn hóa sáng tạo. Khoảng 2 - 3 năm gần đây, những tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống xuất hiện nhiều. Khi hiểu về văn hóa, những nội dung họ mang đến sâu sắc hơn.