Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh giả và nỗi đau thật của giới họa sĩ

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai tuần qua, giới họa sĩ xôn xao vụ nhập nhèm tranh thật – tranh giả tại sàn đấu giá ở Hà Nội. Để tìm hiểu việc xác định tranh thật – tranh giả, ở Việt Nam có đơn vị nào đủ năng lực để thẩm định tranh, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Tô Chiêm (Nhà xuất bản Kim Đồng) về thực trạng này.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng tranh thật – tranh giả hiện nay ở nước ta?
- Ở Việt Nam, tranh giả xuất hiện từ đầu những năm 1990 khi các tác phẩm hội họa được thị trường nước ngoài chú ý và sưu tầm. Họa sĩ bị làm giả tranh nhiều có Bùi Xuân Phái và các họa sĩ từng học ở trường Mỹ thuật Đông Dương. Khi miền Bắc bị Mỹ ném bom phá hoại vì lo sợ bom đạn phá hủy các tác phẩm nghệ thuật, Nhà nước chủ chương sao chép lại các tác phẩm lưu giữ trong bảo tàng để đưa đi sơ tán đề phòng bom đạn. Khi đó bản gốc một nơi, bản sao chép một nơi. Chiến tranh kết thúc, tất cả các tác phẩm tập hợp về một chỗ, bắt đầu nảy sinh sự lẫn lộn.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân biệt tranh thật – tranh giả?

- Kỹ năng làm tranh giả có vô số cách như sao chép, mượn bản thảo hay market để chuyển thể thành tranh chính… Thậm chí, tranh giả ở Việt Nam còn được mang ra nước ngoài, rồi đưa từ nước ngoài trở lại Việt Nam. Vô hình trung, tranh giả được hợp pháp hóa thành tranh thật. Ví như năm 2017, có một triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Thành Chương phát hiện ra bức tranh của mình đang được triển lãm dưới tên người khác. Những bức tranh này đã được một Việt Kiều mua và mang về triển lãm. Để phân biệt giữa giả và thật, các họa sĩ sẽ có những dấu hiệu riêng cho tác phẩm của mình, có thể ở chữ ký hay cách đánh dấu ở mặt sau bức tranh.
 Một phiên đấu giá tranh nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh:  Mai An
Việt Nam đã có nhà thẩm định tranh chuyên nghiệp chưa, thưa ông?

- Hiện nay, chúng ta không có những nhà thẩm định tranh chuyên nghiệp mà phần lớn đều là những nhà nghiên cứu, họa sĩ được mời làm thẩm định. Họ dựa vào kinh nghiệm để làm việc là chính. Theo tôi để làm một người thẩm định chuyên nghiệp phải có chuyên môn sâu, mỗi người chỉ làm thẩm định trong một lĩnh vực, một giai đoạn, không thể chạy hết theo chiều dài của lịch sử mỹ thuật. Mặt khác, chúng ta cần phải có phương tiện, công cụ hỗ trợ cho các nhà thẩm định như máy soi, máy đo nồng độ cacbon… Ở nước ngoài áp dụng các phương pháp khoa học đã hạn chế được phần nào nạn tranh giả đến mức thấp nhất.

Hiện nay, có nhiều nhà đấu giá tranh với tiêu chí, cách làm thể hiện chuyên nghiệp. Công chúng, người yêu tranh có thể tin tưởng, mua và xem những bức tranh thật ở đó không, thưa ông?

- Sàn đấu giá cao tuổi nhất là 10 năm, có sàn chỉ 2 - 3 năm. Nhà đấu giá tranh nào cũng đưa ra các tiêu chí cao, hướng đến sự chuyên nghiệp, tôi nghĩ mục đích họ hướng đến rất tốt. Nhưng thị trường tranh trong nước chưa đủ điều kiện để các sàn làm chuyên nghiệp, thị trường gần như “chợ đen”, chưa nhiều hàng niêm yết nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc xuất hiện của các nhà đấu giá tranh đã làm giới họa sĩ vui mừng, vì có thêm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng đã đưa ra tôn chỉ, mục đích, thì nên theo đến cùng không nên chỉ vì sức ép (tiền thuê mặt bằng, đóng thuế…) mà bán 1 - 2 bức tranh giả. Trong nghề tranh, uy tín mất thì chắc chắn nhà đấu giá sẽ khó tồn tại.

Tranh giả ngày càng lấn át tranh thật, vậy thế hệ sau này liệu có còn tranh thật để xem?

- Mới đây, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng có bày tỏ rằng, có một cửa hàng tranh đăng ảnh của anh ấy lên và rao giá sao chép tranh. Hình như cho đến giờ, anh ấy chưa làm được gì cả. Họa sĩ Đào Hải Phong có những lần ra nước ngoài thấy tranh “giả” của mình được trưng bày cũng “bó tay”. Đã từng có một số người có trách nhiệm phát biểu cứng rắn, xong rồi chỉ để đấy. Năm 2004, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thành lập một Ban Thẩm định gồm 2 người, nhưng chỉ sau 1 - 2 năm lại giải tán vì không có kinh phí để trả. Vì vậy, họa sĩ có tranh thì nên tự bảo vệ.

Xin cảm ơn ông!