Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước 11 tháng chỉ đạt 70,2% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân chỉ vỏn vẹn 46,6%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, có tới 12 bộ, ngành và 1 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước, 2 bộ và 15 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ.
Kể từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công gần 277,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Với kế hoạch huy động vốn ban đầu và thêm 2 lần tăng điều chỉnh là 281.000 tỷ đồng, hiện Kho bạc Nhà nước đã sắp hoàn thành kế hoạch huy động vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016.
Huy động được nhiều nhưng giải ngân vào các dự án đầu tư công thấp như vậy là một nghịch lý, nhất là trong điều kiện thu ngân sách đạt thấp, trong khi nhiều dự án đầu tư công đang đói vốn.
Chậm giải ngân vốn cũng đồng nghĩa với việc nhiều dự án rơi vào tình cảnh dở dang, đội chi phí… ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cũng như trong việc tạo động lực cho phát triển giai đoạn sau. Giải ngân chậm cũng sẽ làm tăng áp lực trả lãi suất cho vốn vay của Chính phủ ngày càng cao, chi phí phát sinh, dự án không đạt theo kế hoạch, hiệu quả và sâu xa hơn là làm mất niềm tin đối với các đơn vị tài trợ, viện trợ nguồn vốn.
Nếu muốn tăng trưởng cả năm 6,3% thì quý IV tăng trưởng phải đạt 7,1%; còn nếu tăng trưởng 6,5% thì tăng trưởng quý IV là 7,5%. Việc giải ngân vốn đầu tư đang rất cấp bách. Trong Nghị quyết 60/NQ - CP tháng 7/2016, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Và nay chỉ còn một tháng nữa, Thủ tướng tiếp tục ra Công điện 2144/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016, bảo đảm sử dụng hiệu quả và hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã nhắc đi, nhắc lại rằng: “Yêu cầu số một lúc này là không để có tiền mà không giải ngân được, mà phải đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách còn dư, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Việc giải ngân chậm là đáng ngại. Song nó sẽ đáng ngại hơn nếu tiếp tục được giải ngân bằng mọi giá, thật nhanh vào các dự án, chương trình mục tiêu thiếu hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Việc cần lúc này là rà soát lại các dự án xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách, dự án nào cần thiết thì đẩy nhanh tiến độ, tăng cường giải ngân thay cho tình trạng giải ngân cho đủ, cho nhiều cứ tràn lan từ năm này sang năm khác. Rút kinh nghiệm các năm trước, Thủ tướng yêu cầu phải làm quyết liệt, hiệu quả việc giao vốn đầu tư ngay từ đầu năm 2017, trong đó, phải tập trung xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho DN. Với những dự án mới, chỉ lựa chọn những dự án thật sự cần thiết, cấp bách, cân đối đủ nguồn vốn nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.