Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh lợi dụng dấu mật để bưng bít thông tin

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Nhiều ĐB đề nghị cần quy định rõ tiêu chí xác định mật, tránh việc tùy tiện đóng mật, gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân, chưa kể lợi dụng mật để bao che cho hành vi vi phạm.

Theo ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa), dù là mật đến mức nào thì theo thời gian đều phải được giải mật, công khai cho phép cộng đồng sử dụng. Tuy nhiên, trong Dự Luật, cùng với quy định thời gian giải mật cho từng mức độ mật, lại quy định thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước - với lý do nếu giải mật gây nguy hại cho lợi ích quốc gia thì có thể gia hạn vô số lần. "Quy định này làm cho quy định thời gian giải mật trở nên vô giá trị. Đây là điều bất hợp lý và mâu thuẫn" - ĐB Thủy nhận định.

Đại biểu Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.  Ảnh: TTXVN

Đề cập tới hai xu hướng lộ bí mật Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ ra: Thứ nhất, có những văn bản mật của các cơ quan quan trọng cũng bị chụp đưa lên mạng, ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Thứ hai là lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật; danh mục mật thì chậm rà soát sửa đổi, có danh mục từ năm 2000 - 2004 nhưng vẫn áp dụng. Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách Vụ trưởng hiện hành, đóng dấu vào chất vấn của ĐB Quốc hội, nhưng trong đó không có thông tin mật khiến ĐB Quốc hội không thể trả lời cử tri” - ĐB Nga nói.

ĐB Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) cho rằng, cần tiêu chí xác định bảo vệ lợi ích bí mật quốc gia để đưa vào danh mục mật. Bởi việc phân loại bí mật Nhà nước còn chung chung, nên nhiều khi có tình trạng lợi dụng mật để bảo vệ hành vi vi phạm. Còn tình trạng lợi dụng mật để không công khai, hay công khai nửa vời không cụ thể, nhất là kết luận thanh tra, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. ĐB Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) cũng chỉ ra, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước rất phức tạp trên internet, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng xác định tùy tiện không mật cũng đóng dấu mật, hoặc chỉ mật nhưng đóng dấu tuyệt mật, tối mật… Vì thế, ngoài việc căn cứ vào mức độ gây thiệt hại, cần căn cứ vào mức độ quan trọng của thông tin khi đóng dấu mật.

Cảnh báo nguy cơ "trăm hoa đua nở" thông tin mật khi Dự Luật cho phép Chủ tịch UBND tỉnh, TP ban hành danh mục bí mật Nhà nước riêng cho địa phương, ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) kiến nghị: Bổ sung nguyên tắc phân loại bí mật Nhà nước, phải theo mức độ, danh mục theo từng lĩnh vực chứ không chỉ dựa theo khả năng nguy hại hay bị lộ bị mất để đóng dấu mật. Các ý kiến khác cũng cho rằng, nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng.

Đặc biệt, với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho DN, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ, ngành T.Ư đến địa phương để đồng nhất hơn. Cùng với đó, tránh tình trạng 63 tỉnh, thành sẽ có 63 danh mục bí mật Nhà nước riêng, danh mục bí mật của tỉnh này có thể không giống với danh mục bí mật của tỉnh kia và nếu thông tin bị mật hóa càng nhiều thì quyền tiếp cận thông tin càng ít.