Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh luận gay gắt về việc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khai khoáng

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa đầu phiên thảo luận buổi sáng, đã có 90 ĐB đăng ký phát biểu, về vấn đề đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng, nhiều ĐB đã bấm nút tranh luận.

Cho rằng kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".
Cụ thể, đại biểu Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ĐB Hàm nói.
 Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng: Trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, theo ĐB Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng ỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.
"Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn", ĐB Hàm nhấn mạnh.
Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng ĐB Hàm cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...
Về vấn đề trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng ĐB Hàm nêu, ĐB Trần Quang Chiểu đã đăng đàn tranh luận với ý kiến của ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách.
Giơ cao tập báo cáo Chính phủ, ông Chiểu nhấn mạnh: Khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.
ĐB Chiểu khẳng định: "Đây là số liệu Chính phủ gửi đại biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói và nhấn mạnh quan điểm của mình là, "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".
Ngay lập tức, ĐB Hoàng Quang Hàm có ý kiến trao đổi lại với ĐB Chiểu và khẳng định: “Bản thân cũng thống nhất với báo cáo Chính phủ về việc đã "giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, dầu thô trong tăng trưởng".
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5, theo đó sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn; "nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP".
"Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành", song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất", ĐB Hàm nhấn mạnh.
Bên hành lang quốc hội ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) chi sẻ: Những tranh luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế có hay không phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng của các ĐB trong nửa đầu phiên thảo luận sáng nay thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Có một số ý kiến trái chiều về vấn đề này, tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác dầu thô và khai khoáng. Thực tế, Năm 2017, chúng ta đã tăng trưởng âm về khai thác dầu thô và khai khoáng và tăng trưởng chủ yếu đến từ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
“Tuy vậy, chúng ta cũng không được ngủ quên trên chiến thắng, với tinh thần xây dựng, các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ những cần tăng cường cơ chế, chính sách cho khối sản xuất vì sự tăng trưởng của khối này mới tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế”, ĐB Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.