Tranh luận không khoảng cách

Nguyễn Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tranh luận nảy lửa để làm rõ vấn đề”. Đó có lẽ là lời đánh giá chính xác nhất về không khí nghị trường sau 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa rồi.

Một tinh thần tranh luận thẳng thắn, dân chủ và không còn khoảng cách. Bởi đây không chỉ là chuyện của các dân biểu với nhau, mà là chuyện của dân. Dân cần nghe những người đại diện của họ đã làm gì ở nghị trường để góp tiếng nói vào việc giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc kế dân sinh.
  Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 4 Bộ trưởng đăng đàn. Mà toàn là những chuyện đang được cử tri cả nước quan tâm. Theo dõi 3 ngày làm việc đầy căng thẳng này qua báo chí, người dân thấy trên tất cả những câu chuyện liên quan từ nền nông nghiệp nhiều bức bách đến tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả; Từ những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực khám chữa bệnh, mà bức xúc nhất là tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế gây nguy cơ vỡ quỹ đến những tùy tiện, cửa quyền trong quản lý cấp phép biểu diễn nghệ thuật, sự xuống cấp đạo đức xã hội, những tệ nạn trong lễ hội… là tình trạng phát triển nóng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực dẫn đến không ít hệ lụy cho xã hội.

Có lẽ vì thế mà hầu hết những câu hỏi chất vấn đều thể hiện sự sốt ruột của nhiều đại biểu Quốc hội cứ lặp đi, lặp lại khi đề cập những vấn đề “nóng” của đất nước, cũng chính là những lĩnh vực phát triển gần như mất kiểm soát thời gian qua. Đó là tình trạng khủng hoảng thừa nhiều mặt hàng nông sản, là cảnh nông sản Việt Nam chưa thoát cảnh “ ăn chực nằm chờ” ở cửa khẩu, khiến hàng triệu nông dân phải lao đao do sản xuất thiếu qui hoạch; Đó là tình trạng đầu tư dàn trải, dự án nghìn tỉ đắp chiếu, không chỉ gây thua lỗ, thất thoát cho doanh nghiệp mà còn đẩy nợ công của Chính phủ lên đến mức chạm trần; Đó còn là tình trạng lễ hội tổ chức tràn lan khắp nơi, là đua nhau xây nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng dẫn đến nguy cơ “ bê tông hóa” không chỉ ở Sơn Trà - Đà Nẵng, rồi những lo ngại về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội xảy ra mọi lúc mọi nơi.

Người dân không thể không lo lắng khi vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm phân bón giả để lừa gạt hàng triệu nông dân; sẵn sàng gian dối để trục lợi trên từng con tàu mà Chính phủ phải thắt lưng buột bụng dành vốn cho ngư dân vay để có phương tiện hiện đại vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả tài nguyên để làm giàu, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; rồi nạn trục lợi BHYT, chính sách người có công; là lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm, gian lận trong lĩnh vực học hành, thi cử... và đặc biệt là tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, là bạo lực gia đình ngày càng gia tăng…

Để trả lời rốt ráo những câu hỏi, những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra quả thật không dễ đối với các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ. Bởi, đại biểu muốn nhìn thấy những chuyển động cụ thể, thay vì các giải pháp chung chung như “đẩy mạnh, tăng cường”. Đại biểu sẵn sàng phê Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư đã “dẫn ra cả rừng luật mà lại không cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu”. Nhưng, giải bài toán trước mắt cho những vấn đề bức xúc là chưa đủ, giống như điều trị triệu chứng trong ngành y. Về lâu dài, đòi hỏi các vị tư lệnh ngành phải có chiến lược toàn diện để phát triển nông nghiệp bền vững theo quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, phát triển du lịch mà không tàn phá môi trường và đa dạng sinh học. Tương tự như vậy, lĩnh vực y tế, đầu tư không thể cứ chạy theo giải quyết sự vụ mà phải hướng đến một nền quản trị khoa học, minh bạch để chăm sóc sức khỏe Nhân dân tốt hơn, sử dụng đồng vốn ngân sách hiệu quả hơn.

Cử tri ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu trong quá trình chất vấn, tranh luận đến nơi để làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm. Cử tri cũng hoan nghênh các vị Bộ trưởng dám nhận trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc đáng tiếc trong lĩnh vực mình quản lý. Nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ để xây dựng hình ảnh một Quốc hội chuyên nghiệp và có thực quyền. Quốc hội hỏi không chỉ để cho biết mà là để xác định rõ trách nhiệm của những người được giao việc. Một khi đã xác định được trách nhiệm thì phải có biện pháp xử lý, tránh để sự việc chìm xuồng đến khi người ta về hưu mới mang ra kỷ luật.

Việc phá lệ để tăng thời gian họp bàn về những vấn đề nóng, tăng thời gian chất vấn, khuyến khích tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, giữa đại biểu với các thành viên Chính phủ, những cuộc tranh luận không có khoảng cách kiểu này được đánh giá là đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi các vấn đề được truy đến cùng. Các Bộ trưởng sẽ không chỉ “ ghi nhận”, “tiếp thu” và “ rút kinh nghiệm” rồi để đấy mà phải chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm vấn đề. Chính phủ kiến tạo thì cán bộ, lãnh đạo phải hành động trên tinh thần kiến tạo và hành động vì dân, chịu trách nhiệm trước dân. Ai có tư duy nhiệm kỳ thì sẽ không xứng ngồi trong hệ thống, không xứng với kỳ vọng của Nhân dân. Những sai sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm để cả họ làm quan sắp tới đây sẽ được xử lý triệt để.

Quốc hội có chức năng giám sát tối cao hoạt động của Chính phủ, còn cử tri thì giám sát hoạt động của Quốc hội. Chất vấn là cơ hội để đại biểu Quốc hội được tranh luận đúng nghĩa trong hoạt động nghị trường. Cũng là cách để cử tri nhìn nhận, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội và bộ máy công quyền.