Cùng tham dự đoàn kiểm tra và buổi làm việc của Bí thư Thành ủy với các đơn vị, địa phương liên quan còn có hai Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn
Sớm hoàn tất giải phóng mặt bằng
Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Nguyễn Chí Cường cho biết: “Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các Sở, ngành, đơn vị và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Ban và các quận, huyện đã nỗ lực, quyết tâm tổ chức triển khai dự án, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát tiến độ đề ra”.
Cụ thể, về giải phóng mặt bằng (GPMB), toàn thành phố đã phê duyệt và thu hồi đất 763,86/791,21ha, đạt 96,54%. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất ở.
Đặc biệt, huyện Sóc Sơn và Thường Tín đã hoàn thành phê duyệt phương án đất ở. Ban QLDA đã nhận bàn giao 714,15/763,86ha, đạt 93,49% diện tích đất đã GPMB. Di chuyển được 7.899/9.263 ngôi mộ, đạt 85,27%; đang thi công xây dựng 12/13 khu tái định cư, với tổng diện tích 32,5ha tại 7 quận, huyện. Trong đó huyện Thường Tín đã tổ chức bốc thăm cho 137 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Dự kiến trong năm 2024, các địa phương có tuyến đường Vành đai 4 đi qua sẽ tập trung giải quyết khó khăn lớn là GPMB đối với đất ở và di chuyển cộng trình hạ tầng kỹ thuật.
Đặc biệt, các địa phương cần đẩy nhanh thủ tục xây dựng các khu tái định cư, xác định giá đất cụ thể đầu đi, đầu đến, phê duyệt phương án tạm cư để thực hiện công tác GPMB để đáp ứng tiến độ thi công dự án.
Sau khi lắng nghe báo cáo của Ban QLDA cũng như ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, HĐND, UBND thành phố về vấn đề GPMB, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đến thời điểm này, tình hình kết quả thực hiện Dự án theo Nghị quyết 56 của Quốc hội đã đạt kết quả bước đầu tương đối tốt. Nổi bật là công tác GPMB, tái định cư…
Trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo Dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là 7 quận, huyện có dự án đi qua.
Bí thư Thành ủy hoan nghênh các quận huyện đều cam kết phấn đấu hoàn thành GPMB xong trước 30/3/2024; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục tập trung cao độ để hoàn thành GPMB đúng cam kết, phải đảm bảo không cản trở mặt bằng thi công.
“Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện; đẩy nhanh các thủ tục, vận dụng các cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.
Phấn đấu về đích trước hạn
Liên quan đến công tác thi công và giải ngân vốn đầu tư, Giám đốc Ban QLDA Nguyễn Chí Cường cho biết, Kế hoạch vốn đã bố trí dự án trong năm 2023 là 9.281,759 tỷ đồng (Ban QLDA là 1.361,724 tỷ đồng; các quận, huyện là 7.920,035 tỷ đồng). Thời điểm hiện tại Ban QLDA đã giải ngân được 1.359,417 tỷ đồng, đạt 99,83%. Các quận, huyện đã giải ngân là 6.097,563 tỷ đồng, đạt 76,99%.7.
Tại Dự án thành phần 2.1 (đường đô thị song hành kết nối), các nhà thầu đang tổ chức 32 mũi thi công, gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu trên toàn bộ phần mặt bằng được bàn giao. Tuy nhiên một số vị trí mặt bằng vẫn còn xôi đỗ, không liên tục, do vướng đất thổ cư chưa GPMB.
“Tuyến đường song hành chủ yếu đi qua vùng đất yếu, với thời gian xử lý nền và đắp gia tải khoảng 2 tháng, thời gian chờ lún khoảng 6 - 8 tháng. Trong thời gian mùa mưa từ tháng 6 - tháng 10 lại không thể thi công được do thường xuyên ngập úng. Đây chính là “đường găng” tiến độ của dự án” - ông Nguyễn Chí Cường chia sẻ.
Vì vậy, Ban QLDA đã tích cực phối hợp với từng quận, huyện để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB của Dự án. Đề nghị các quận, huyện hoàn thành công tác GPMB xong trước ngày 30/4/2024 để kịp thời xử lý nền đất yếu, đắp gia tải xong trước mùa mưa năm 2024.
Về vấn đề thi công dự án thành phần 2.1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định đây cũng là một trong điểm nổi bật của dự án; đánh giá cao các nhà thầu cam kết thi công xuyên Tết, phấn đấu về đích trước thời hạn.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các nhà thầu thi công khẩn trương, tranh thủ thời gian quyết tâm phấn đấu để hoàn thành phần đường song hành chậm nhất vào quý III/2025.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị lãnh đạo UBND thành phố phải tăng cường đi cơ sở, trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, các nhà thầu để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tranh thủ từng ngày để tăng tốc triển khai dự án.
Đối với dự án thành phần 3 (đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư), được xác định là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên áp dụng Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ - CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Ông Nguyễn Chí Cường cho hay, dự kiến dự án đường cao tốc sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và khởi công trong tháng 12/2024.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan phải hết sức tập trung, đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, đặc biệt là Sở GTVT, Sở KH&ĐT, và Ban QLDA.
Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu phục vụ thi công Dự án, hiện các nhà thầu tập kết về công trường và thi công được hơn 340.000m3 cát đắp, 50.000m3 đất đắp bao và vẫn đang tiếp tục vận chuyển về công trường nhằm đáp ứng thi công theo đúng tiến độ.
Riêng nguồn vật liệu đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù, mỏ cát Chu Phan đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận hồ sơ đăng ký của nhà thầu với trữ lượng khai thác 0,744 triệu m3.
Mỏ cát Thạch Đà 1 cũng đã được chấp thuận hồ sơ đăng ký với trữ lượng khai thác 0,425 triệu m3. Hiện nay, các nhà thầu thi công đã tập kết hơn 100.000m3 và thi công khoảng 60.000m3 cát đắp từ các mỏ đặc thù nói trên.
Đối với mỏ đất Gò Đỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký khai thác, Sở TN&MT đã dự thảo xong Tờ trình và dự kiến trình UBND thành phố xem xét trước ngày 25/12/2023.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục rà soát các mỏ phía đông Hà Nội để khi cần thiết có nguồn cung vật liệu cho dự án, nếu cần cả Bắc Ninh và Hưng Yên sẽ hỗ trợ.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm mọi quy định mang tính đặc thù, ưu tiên cho dự án, nhất là về khai thác mỏ vật liệu cát, đất phục vụ dự án.
“Tuyệt đối không để xảy ra sai sót, vi phạm pháp luật. Khai thác đúng công suất, đúng vị trí, vận chuyển đúng điểm đi, điểm đến. Xảy ra vi phạm là chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ.