Chiều 17/7, tại Bộ Nội vụ diễn ra Hội thảo “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số”, do Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận T.Ư chủ trì Hội thảo.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, với 50.969 lượt người đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; 22.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Dự án 600 phó chủ tịch xã, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND 20 tỉnh đã thực hiện Dự án tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí các trí thức trẻ về xã công tác, hướng dẫn các huyện nghèo có văn bản chỉ đạo các xã tổ chức họp phiên bất thường của HĐND để giới thiệu và bầu trí thức trẻ vào chức vụ phó chủ tịch xã. Kết quả, 580 trí thức trẻ đều được sự đồng thuận của HĐND các xã, với số phiếu bầu cao, được UBND các huyện phê chuẩn chức vụ phó chủ tịch UBND xã và tổ chức bố trí về xã công tác.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại xã, trí thức trẻ của 20 tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tính đến cuối năm 2018, 20 tỉnh đã bố trí công tác được 504/559 trí thức trẻ tham gia dự án có nhu cầu bố trí công tác; còn lại đang trong quá trình sắp xếp, bố trí công tác.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Cả nước có 53 dân tộc thiểu số, sinh sống thành cộng đồng tại 51 tỉnh, TP. Số huyện, xã có đồng bào dân tộc sinh sống khá lớn, tuy nhiên, chính sách với vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn dàn trải vì đồng bào sống ở địa bàn rộng trong cả nước. Để khắc phục tính dàn trải là thách thức, nhưng cần có lời giải căn cơ.
Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, tới đây khi tính toán số cán bộ là người dân tộc thiểu số làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ căn cứ trên tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cần phải tính toán có cơ cấu hợp lý. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan chức năng lý giải tại sao đồng bào dân tộc chỉ tập trung vào một số lĩnh vực trong bộ máy nhà nước mà không có mặt ở khắp các lĩnh vực? Vì sao cán bộ là người dân tộc có mặt ở đơn vị hành chính cấp thấp và giảm dần ở cấp Trung ương?
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, phải có chính sách đặc thù để thúc đẩy các mục tiêu của Đảng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi nhanh hơn. Đồng chí cho rằng, bình đẳng về cơ hội rất quan trọng. “Hãy cho người đồng bào dân tộc thiểu số cơ hội để bình đẳng chứ không phải mãi là chính sách ưu tiên”, đồng chí nhấn mạnh.