Dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô năm 2013, tôi được đón nhận danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú” là một vinh dự rất đặc biệt TP dành cho tôi - một cán bộ đã công tác ở Hà Nội hàng chục năm, qua nhiều cương vị khác nhau. Song, cũng đặt ra trọng trách rất lớn cho tôi và những người được trao danh hiệu này, thấy phải luôn cố gắng để hoàn thành trách nhiệm của một công dân Thủ đô, xứng đáng với danh hiệu đó. "Hà Nội đã phát triển vượt bậc nhưng không phải mọi công việc ở đây thực hiện đều tốt. Vì vậy, tôi đề xuất TP dành thời gian tổ chức cho những Công dân Thủ đô ưu tú từ trước đến nay được góp ý kiến phản biện xã hội, mang tính xây dựng một cách chân tình, thẳng thắn về những việc TP đã làm được và chưa làm được trong thời hội nhập hiện nay. Điều đó sẽ khiến họ cảm thấy mình được trao danh hiệu này không bị lãng quên, vẫn được tạo điều kiện để góp ý xây dựng Thủ đô" - Nhà thơ Bằng Việt - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội |
Trao danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú": Đặc sản riêng của Hà Nội
Kinhtedothi - 11 năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), lễ trao tặng danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú” đã trở thành sự kiện không thể thiếu của Hà Nội, nhằm kịp thời tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Ra đời trong bối cảnh đặc biệt
Theo lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng TP (Sở Nội vụ), sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về làm việc với Hà Nội năm 1992, TP đã phát động phong trào thi đua “Người tốt việc tốt”. Qua gần 20 năm thực hiện, vào năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP đánh giá kết quả phát triển phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” ngày càng thể hiện tính lan tỏa trong cộng đồng và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng văn hóa người Hà Nội.
Trong bối cảnh lịch sử cụ thể ấy, Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Thi đua - Khen thưởng TP nghiên cứu xây dựng một hoạt động rất đặc biệt để đánh dấu mốc quan trọng này của Thủ đô. Trên cơ sở gần 20 năm phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” cũng như xét chọn những cá nhân có việc làm tốt, đóng góp xây dựng Thủ đô, Ban Thi đua - Khen thưởng TP khi ấy do ông Hoàng Duy Khanh làm Trưởng ban đã tham mưu TP xin chủ trương xây dựng, trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Danh hiệu này có thể nói là đỉnh cao, tinh túy, đặc biệt nhất của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Hà Nội. “Đặc biệt” ở đây có 2 ý nghĩa: Công dân đó có thể là những con người có đóng góp rất lâu dài, thường xuyên, bền bỉ nhưng cũng có thể là người có hành động đặc biệt xuất sắc, mang lại vị thế cho Thủ đô và đất nước. Cần xây dựng một danh hiệu rất đặc biệt như vậy để làm “quà tặng” cho Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, cũng là tạo sự khác biệt cho Thủ đô.
Miệt mài cống hiến cho Thủ đôPhó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Đinh Việt Thắng đánh giá, trải qua 10 năm xét tặng (2010 - 2019), có thể nói, 100 cá nhân đã được công nhận “Công dân Thủ đô ưu tú” vẫn đang hàng ngày phát huy rất tốt những đóng góp trước đây của họ và tiếp tục có đóng góp trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô.Một cái tên đã rất quen thuộc là nhà báo Trần Mai Anh, sau khi được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2010 đã tiếp tục mở rộng thành lập các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện để giúp đỡ rộng hơn với những người yếu thế trong xã hội, chứ không chỉ dừng ở việc nuôi cháu Thiện Nhân. Đó là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, sau khi được công nhận danh hiệu này năm 2014 vẫn tiếp tục điều hành nhà trường, nâng cao chất lượng và mở rộng thêm các trường; bản thân vài năm sau đó được công nhận Nhà giáo Nhân dân. Hay nhà thơ Bằng Việt (Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013), sau khi nghỉ ở vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội vẫn có đóng góp lớn về việc phục dựng lại những tư liệu liên quan các dịch thuật về văn hóa 1.000 năm Thăng Long.
Nghỉ hưu, ông thường xuyên nghiên cứu, sáng tác, lưu giữ được nhiều tư liệu quý nói về khí phách người Hà Nội, tôn vinh văn hóa người Hà Nội… Đó còn là Anh hùng Lao động Hoàng Vĩnh Giang (được trao tặng Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010), về nghỉ hưu vẫn tham gia là Tổng Thư ký Olympic Việt Nam, có cống hiến lớn khi là người khởi xướng đưa thể thao thành tích cao vào Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung…Đáng kể trong lĩnh vực y tế đã có khá nhiều cá nhân tiêu biểu được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Một cái tên hay được nhắc đến là GS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí (được trao tặng năm 2015), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, sau khi nghỉ hưu tiếp tục đầu tư, mở rộng bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân Hà Nội và cả nước, đặc biệt trong đợt dịch sốt xuất huyết năm 2019 và dịch Covid-19 năm nay. Ông cũng cho xây dựng Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Việt - nơi tập hợp mọi tư liệu, bản thảo của các nhà khoa học, chính là bảo tàng di sản đầu tiên, nền tảng lưu giữ cho những nhà khoa học sau này phát huy các giá trị, được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về thăm. Đó cũng là Thầy thuốc Nhân dân Lê Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sau khi được trao tặng danh hiệu này (năm 2010) vẫn tích cực tham gia giảng dạy, hướng dẫn các nghiên cứu sinh. Hay GS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội) là người trẻ tuổi (sinh năm 1984), sau khi được công nhận Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017 vẫn đang tiếp tục ra với cộng đồng để tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng, có những đóng góp xã hội rất lớn. Ông cũng là người trẻ Việt Nam đầu tiên được trường Đại học của Mỹ bổ nhiệm chức danh Giáo sư.Bên cạnh đó, trong số 100 người con Hà Nội ưu tú này có không ít nghệ nhân của TP, khi số lượng làng nghề tại Hà Nội lớn nhất cả nước (hơn 1.400). Rà soát của Ban Thi đua - Khen thưởng TP cho thấy, đến nay, các nghệ nhân này tiếp tục tích cực giữ gìn, truyền bá nghề truyền thống cho các thế hệ sau và còn chế tác ra những sản phẩm độc đáo mang giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội, phục vụ TP làm quà tặng cho lãnh đạo các nước đến Thủ đô mỗi hội nghị quốc tế lớn…Những cái tên ấy, dù ở lĩnh vực nào, dù mới được công nhận “Công dân Thủ đô ưu tú” hay được công nhận đã lâu, đến nay đều đang tiếp tục làm những việc rất có ý nghĩa cho cộng đồng, được xã hội biết đến. Họ đang hàng ngày có đóng góp mới, hiệu quả cho Thủ đô, tạo lan tỏa rộng lớn. Với ý nghĩa đó, Hà Nội dự định sẽ tiếp tục hàng năm duy trì hoạt động trao tặng danh hiệu cao quý nhất này của TP.