Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42:

Trao đổi kinh nghiệm để phục hồi và phát triển

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 được tổ chức tại Đà Nẵng trong 3 ngày (từ 23 đến 25/8/2022) tập trung thảo luận về việc phục hồi và phát triển ngành đường sắt sau dịch Covid-19.

Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN là hoạt động thường niên được đường sắt các nước ASEAN luân phiên tổ chức. Hội nghị là nơi các Tổng Giám đốc, nhà quản lý, điều hành đường sắt ASEAN thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển và khai thác hiệu quả đường sắt trong khu vực.

170 đại biểu và quan sát viên tham dự

Theo kế hoạch, Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2020 nhưng do dịch Covid-19 nên bị lùi lại 2 năm, đến nay mới được tổ chức. Tham dự hội nghị có 170 đại biểu và quan sát viên ngành đường sắt 8 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Hội nghị với chủ đề "Phục hồi và phát triển" và chia thành 3 nhóm công tác họp, gồm nhóm Tổng Giám đốc, nhóm Công tác kỹ thuật và nhóm Công tác vận hành & marketing. Đây được coi là một sáng kiến của chủ nhà Việt Nam khi vận tải và du lịch được coi là hai lĩnh vực kinh doanh chịu nhiều thiệt hại trong hai năm qua do đại dịch Covid-19. Ngành đường sắt các nước trong khu vực cần ngồi lại thảo luận, bàn bạc và ký kết các văn bản, thỏa thuận để cùng nhau phục hồi, phát triển.

Đây cũng là cơ hội để các tập đoàn, những nước có đường sắt phát triển trong khu vực và nhà sản xuất, cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ, thiết bị chuyên ngành đường sắt cập nhật thông tin về phát triển đường sắt trong khu vực ASEAN; tìm hiểu cơ hội hợp tác và giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực đường sắt.

Tại Hội nghị lần này, Đường sắt Việt Nam mang giới thiệu 5 toa xe khách cao cấp do Công ty Xe lửa Dĩ An đóng mới. Ảnh: HM
Tại Hội nghị lần này, Đường sắt Việt Nam mang giới thiệu 5 toa xe khách cao cấp do Công ty Xe lửa Dĩ An đóng mới. Ảnh: HM

Tập trung phát triển liên vận quốc tế

Trong vai trò chủ nhà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vận tải hành khách và lưu thông hàng hóa khó khăn. Đứng trước tình hình đó, đường sắt Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để tổ chức thành công các chuyến tàu chuyển container đi quốc tế.

Ngày 20/7/2021, lần đầu tiên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container đầu tiên xuất phát từ ga Yên Viên - Hà Nội kết nối với thành phố Liege - Bỉ. Hiện nay, đường sắt Việt Nam tập trung đẩy mạnh vận tải hóa bằng container vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á.

Năm 2021, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt hơn 508.000 tấn, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2020. Doanh thu tăng khoảng 2%. Chiều hàng nhập liên vận quốc tế đạt hơn 635.000 tấn, tăng hơn 38% so cùng kỳ 2020. Doanh thu tăng khoảng 16%. 

Hiện, Việt Nam đang xuất các mặt hàng như: Chè khô, dưa chuột muối xuất đi các nước Trung Á bằng đường sắt. Nếu có chính sách giá cước cạnh tranh và dịch vụ logistics tốt sẽ tăng được khối lượng vận chuyển hơn nữa. Các công ty vận tải đường sắt Việt Nam cũng đang tích cực tìm các nguồn hàng như: phụ tùng ô tô, hàng điện tử, hàng thực phẩm tươi sống…

Chủ nhà Việt Nam khẳng định việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch Covid-19 mà còn là định hướng lâu dài của đường sắt Việt Nam. CEO Đặng Sỹ Mạnh khẳng định, vận tải đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ tạo ra được các chuỗi vận chuyển góp phần đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế xã hội giữa các nước trong khu vực và thế giới. Muốn làm được điều đó, đường sắt Việt Nam cần sự phối hợp với đường sắt ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu phiên khai mạc, ông Đặng Sỹ Mạnh khẳng định: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.

Việt Nam khẳng định việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch Covid-19 mà còn là định hướng lâu dài. Ảnh Ratraco.
Việt Nam khẳng định việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch Covid-19 mà còn là định hướng lâu dài. Ảnh Ratraco.

Nói về tương lai, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang tập trung hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện "Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030" để sớm trình Chính phủ.

Trong đó, chú trọng cải tạo nâng cấp hạ tầng để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới.

Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tại hội nghị lần này, ngành đường sắt Việt Nam đã giới thiệu với các đại biểu sản phẩm toa xe khách cao cấp do Công ty Xe lửa Dĩ An thực hiện.