Cuộc thi được chính thức phát động từ ngày 1/10 đến hết ngày 1/12/2021 nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.
Sau 2 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bài dự thi của các tác giả chuyên và không chuyên, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước và ở nước ngoài, tâm huyết với đề tài phụ nữ và trẻ em gái. Các tác phẩm dự thi có nội dung phong phú tập trung vào 3 chủ đề lớn: Nhóm bài viết luận giải về các vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em với sự tham gia của các chuyên gia bình đẳng giới, nghiên cứu sinh, giảng viên các trường đại học, cán bộ Hội phụ nữ… Nhóm các bài viết về hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Nhóm bài viết về các vấn đề về gia đình trong thời hiện đại, gương gia đình hạnh phúc…
Thành phần các tác giả cũng rất đa dạng như có sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số; cây bút đến từ nhiều tỉnh thành (như Lạng Sơn, Sơn La, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Long An, Cà Mau…), người Việt Nam ở nước ngoài (Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc…). Lần đầu tiên sau 11 năm tổ chức, cuộc thi còn thu hút cả tác giả là người nước ngoài. Đó là anh Saad Ashmawi hiện đang sinh sống tại thành phố Alexandria, Ai Cập. Bên cạnh các tác giả nữ, nhiều nam giới, những người chồng, người cha, con trai trong gia đình cũng tham gia dự thi. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy, sự nâng cao nhận thức bình đẳng giới đang đến từ cả hai giới.
Cuộc thi năm nay đã thu hút nhiều tác giả - cũng chính là những người đang tự mình vượt lên định kiến, hoặc triển khai các hoạt động, dự án… về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em… được cộng đồng đánh giá cao như tác giả Nguyễn Đắc Hoàng đã cùng bạn sáng lập dự án đấu tranh với định kiến giới thu hút Wise Thoughts Vietnam hơn 50.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Với những hoạt động kêu gọi “giải phóng phụ nữ” khỏi định kiến, vừa qua, Hoàng đã được Đại học Fulbright Việt Nam trao tặng học bổng toàn phần.
Thạc sĩ Đèo Thị Thủy, người dân tộc Thái Đen, vượt lên định kiến phụ nữ dân tộc “không cần học cao, chỉ cần lấy chồng” để trở thành giảng viên trường đại học Tây Bắc; luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, người đã tham gia 14 phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con, bảo vệ cho 17 em bị bạo hành; giúp đỡ 25 trường hợp trẻ em bị lạm dụng, sàm sỡ và bị bạo hành.
Ngoài tác giả cá nhân, lần đầu tiên, cuộc thi còn sự tham gia của nhóm “Be a rainbow” về phòng chống xâm hại trẻ em của các nữ sinh lớp 12 tại Hà Nội và doanh nghiệp xã hội Cyberkid Việt Nam với các hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Nguyễn Thị Thu Thủy trao thưởng cho tác giả đạt giải Nhất của cuộc thi. |
Từ hơn 1.000 tác phẩm tham dự, Ban Sơ khảo đã chọn ra 60 bài xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo. Ban Chung khảo cuộc thi đã quyết định trao 1 giải Nhất (3.000.000 đồng), 3 giải Nhì (2.500.000 đồng/giải), 5 giải Ba (1.500.000 đồng/giải), 8 giải Khuyến khích (1.000.000 đồng/giải) và 5 giải Chuyên đề (1.000.000 đồng/giải).
Đặc biệt, tại Chương trình trao giải, một nhóm các tác giả và bạn đọc đã tình nguyện tặng toàn bộ giải thưởng và ủng hộ tiền mặt với tổng số tiền 19.000.000 đồng thông qua Cuộc thi để tặng cho phụ nữ và trẻ em khó khăn. Hoạt động ý nghĩa trên đã góp phần cùng Ban Tổ chức Cuộc thi lan tỏa thông điệp yêu thương, thực hiện chủ đề của Cuộc thi “Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.