Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Đề án quản lý ATTP trong chợ, thực hiện chỉ đạo UBND Thành phố, hướng dẫn của Sở Công Thương, trong thời gian qua, Quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án quản lý ATTP trong chợ đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Quận đã hoàn thành việc rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các chợ trên địa bàn; tiến hành kiểm tra, hướng dẫn đợt 1 tại 96 cơ sở; thẩm định, cấp giấy xác nhận và biển nhận diện của Đề án quản lý ATTP trong chợ cho 70 cơ sở đáp ứng các yêu cầu của Đề án gồm: 33 cơ sở trong chợ Đồng Xuân; 30 cơ sở trong chợ Hàng Da; 7 cơ sở trong chợ 19/12.
Thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện quy trình cấp xác nhận và biển nhận diện cho các cơ sở đáp ứng các yêu cầu, đảm bảo tiến độ của Đề án. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm vận chuyển, lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; thu hồi và xử lý đối với hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn quy định.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các cơ sở kinh doanh thực hiện các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, việc triển khai hiệu quả Đề án quản lý ATTP trong chợ sẽ góp phần cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, ATTP phục vụ người dân Hoàn Kiếm nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung.
Qua đó, đảm bảo quyền lợi và giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và có sự lựa chọn phù hợp các sản phẩm thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp quản lý chợ, hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng quận.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị các phòng, ban ngành quận, UBND các phường của quận Hoàn Kiếm và các doanh nghiệp quản lý chợ tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trong chợ thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định tại Đề án.
Thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh trong chợ về các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATTP.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí các khu vực kinh doanh tại chợ đáp ứng yêu cầu về ATTP và các quy định khác có liên quan; Khi có sự thay đổi bố trí, sắp xếp ngành hàng phải lập ngay phương án điều chỉnh sắp xếp ngành hàng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thực hiện các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến kinh doanh thực phẩm, chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP và nội quy chợ của các cơ sở kinh doanh trong chợ phục vụ công tác cấp/thu hồi biển nhận diện theo quy định.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ chủ động thực hiện cải tạo, nâng cấp, duy tu chợ bảo đảm cơ sở vật chất tại chợ đáp ứng các yêu cầu về ATTP, vệ sinh môi trường, các yêu cầu tại Đề án,... Tiếp tục nghiên cứu rà soát, bố trí 01 vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ Tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hàng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ cần nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, các quy định nêu tại Đề án và các quy định khác có liên quan trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ. Cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án, chỉ kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng.
Chấp hành thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, nội quy chợ được duyệt; cải tạo cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm tại chợ; bố trí người lao động định kỳ khám sức khỏe; tập huấn/xác nhận kiến thức ATTP; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/Giấy xác nhận cam kết bảo đảm ATTP/ký cam kết bảo đảm ATTP...