Trao quyền kinh tế cho phụ nữ nhiều hơn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao.

Sáng 3/3, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về bình đẳng giới với chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ năm 2017.
Theo báo cáo khoảng cách toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65 và đứng thứ 7 tại khu vực Châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 33 trong lĩnh vực kinh tế, 84 trong lĩnh vực tham chính, 93 trong lĩnh vực giáo dục, 138 trong lĩnh vực y tế.
Tọa đàm về bình đẳng giới “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm”.
Để có được những thành tựu trên, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm. Cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48,48%. Năm 2016, chúng ta đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%.

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo đã và đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Lao động nữ thường làm trong những lĩnh vực có chuyên môn không cao, nhất là dệt may, da giầy, dịch vụ với tỉ lệ 70% lao động trong ngành.

Lao động nữ trong khu vực phi chính thức cũng chiếm tỉ lệ khá cao: 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương, 41,1% lao động nữ làm công việc giản đơn, 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Không chỉ thế, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng...

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng cần rà soát lại một số chính sách và chương trình liên quan đến quyền năng kinh tế và quyền làm chủ của phụ nữ cũng như các quyền bình đẳng tại nơi làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức. Đồng thời xác định vai trò và trách nhiệm của chính phủ, các tổ chức quốc té, khu vực tư nhân trong định hình và tác động đến thế giới việc làm và quá trình trao quyền cho phụ nữ.

Tại tọa đàm này, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước xoá bỏ hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện...”

Cũng theo ông Kamal, Chương trình Nghị sự về Các mục tiêu Phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, điều này không thể đạt được nếu chúng ta không xoá bỏ rào cản về mặt cấu trúc và phân biệt đối xử trong luật pháp, thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm một cách bền vững cho phụ nữ.