Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ con đi học bằng gì?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là băn khoăn của chúng tôi khi năm học mới vừa bắt đầu. Ở nông thôn, việc này có vẻ như đơn giản vì mật độ xe cơ giới chưa nhiều, việc con trẻ đi lại đang khá an toàn.

Tuy nhiên, điều này vài năm nữa cũng sẽ thay đổi, làng lên phố đang dần phổ biến, xe máy đã nhiều lại thêm xe hơi ngày càng phổ biến, nói đường làng an toàn cao có vẻ như không còn thích hợp.

Hiện nay, trừ một số ít trường tư thục, trẻ đến đường chủ yếu do phụ huynh đưa đón (khá an toàn), còn lại các em đi xe buýt (nếu tiện), xe đạp điện và xe đạp. Điều này khiến nhiều người hết sức lo lắng, vì trẻ em tham gia giao thông chưa có ý thức cao, trong khi điều kiện đường phố ngày càng chật hẹp và phức tạp về loại hình phương tiện tham gia giao thông.

Nếu để ý ở các TP lớn, giờ tan trường, phụ huynh đứng đầy cổng trường. Có nơi, buổi tan học, thầy cô giáo phải ra đường, lấy dây chăng tạo hành lang cho các em sang đường trông rất bất tiện.

Một phụ huynh ở vùng ven Hà Nội nói: “Nói là vùng ven nhưng xe cộ ở đây đã đông nườm nượp và người tham gia giao thông đi lại tấp nập với tốc độ cao. Tôi thực sự lo cho con mình khi đi học phải băng qua những chỗ đường chưa có đèn hiệu giao thông”.

Gần đây, phong trào học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dùng xe đạp điện (và xe máy điện, xe máy phân khối nhỏ) nở rộ càng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Với tốc độ xe lên đến 40km/h, tay lái chưa vững, ý thức tham gia giao thông chưa tốt, học sinh dễ gây ra tai nạn. Một số em còn nghịch ngợm phóng xe ẩu, lạng lách, đánh võng.

Mới đây, một phụ huynh cho biết, con nhỏ của chị đi xe đạp thì bị một học sinh không rõ tên đi xe đạp điện phóng ẩu va quệt, xe đạp hỏng nặng, may mắn người không bị gì cả.

Qua báo chí, chúng tôi biết đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi học sinh đến trường hoặc đi học về.

Việt Nam có hàng triệu học sinh. Chuyện học hành của các em là quan trọng. Nhưng việc đi lại cho các em như thế nào cũng ngày càng trở nên quan trọng.

Hiện nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Nhật Bản… đã tổ chức hệ thống xe buýt đưa đón học sinh ngay từ cấp học đầu tiên. Bố mẹ đưa con (nếu con còn quá nhỏ) từ nhà đến trạm chờ xe buýt và các em lên xe đi học.

Việc cho trẻ tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng có nhiều mục đích. Thứ nhất là, trẻ được an toàn hơn nhiều so với đi bằng phương tiện cá nhân. Thứ hai, trẻ có ý thức sinh hoạt tập thể tốt hơn, ý thức dùng phương tiện giao thông công cộng tốt hơn.

Cuối cùng, thử tưởng tượng, các con đường đô thị (và cả đường nông thôn sau này) sẽ thông thoáng biết bao nhiêu nếu vắng cảnh phụ huynh, học sinh cùng hàng triệu phương tiện giao thông cá nhân gồm ô tô, xe máy, xe đạp…

Đương nhiên, việc tổ chức hệ thống giao thông công cộng đưa đón học sinh đến trường và về nhà không thể một sớm một chiều là xong, nhưng chúng ta cần nghĩ đến để xã hội văn minh hơn, các học sinh được an toàn hơn.