Một nghiên cứu chỉ ra rằng một đứa trẻ bốn tuổi nếu mắc chứng thừa cân nghiêm trọng kéo dài đến tuổi thành niên sẽ có tuổi thọ trung bình khoảng 39 tuổi.
Mô hình tính toán được thực hiện bởi công ty tư vấn khoa học đời sống Stradoo GmbH ở Munich (Đức), dựa trên dữ liệu từ 50 nghiên cứu lâm sàng được thực hiện đối với hơn 10 triệu người trên khắp thế giới đang mắc hoặc có người thân mắc các bệnh về béo phì như tiểu đường hay tim mạch.
Nghiên cứu xác định bệnh béo phì nghiêm trọng từ chỉ số BMI, theo dõi sự chênh lệch chỉ số cá nhân đối với mức trung bình theo độ tuổi, giới tính. Chỉ số càng cao, cân nặng càng lớn.
Nghiên cứu này dựa vào các yếu tố như độ tuổi trung bình xuất hiện béo phì, thời gian kéo dài, tính nghiêm trọng và khả năng ảnh hưởng lâu dài.
Ví dụ, một đứa trẻ bốn tuổi với chiều cao trung bình 103cm sẽ có cân nặng bình thường là 16,5kg và chỉ số thể trọng BMI sẽ là 0. Trái lại, một đứa trẻ cùng tuổi và cùng chiều cao với cân nặng là 19,5kg sẽ có chỉ số là 2, hay với cân nặng 22,7kg, chỉ số sẽ là 3,5. Một đứa trẻ với chỉ số BMI 2 sẽ có tuổi thọ trung bình giảm từ 80 xuống còn 65.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, thừa cân từ nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì sớm, chẳng hạn như tiểu đường hay các bệnh tim mạch. Ví dụ, nếu một đứa trẻ 4 tuổi bị béo phì nghiêm trọng cho đến khi trưởng thành, thì khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở tuổi 25 là 27%, và sau đó tăng vọt lên 45% ở tuổi 35.
Theo số liệu thống kê, có tới 1/4 trẻ em ở Anh trong độ tuổi từ 10-11 mắc chứng béo phì, trong khi con số này trên toàn cầu là 159 triệu trẻ em.