Trẻ em có cha mẹ ly hôn cần được chăm sóc, bảo vệ ra sao?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bé Đ.N.A. 3 tuổi nghi bị 9 đinh găm vào đầu, Cơ quan Công an xác định nghi phạm Nguyễn Trung Huyên – người tình của chị N.T.L. (mẹ bé A.). Dư luận đang chờ kết quả điều tra, đặt ra câu hỏi: Khi cha mẹ ly hôn, trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ thế nào?

Cấp độ đầu tiên là phòng ngừa.

Dư luận xã hội đang rất đau lòng, xót xa cho bé gái Đ.N.A. (sinh ngày 18/2/2018) trú ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội nghi bị bạo hành; kết quả chụp chiếu cho thấy trong hộp sọ có 9 dị vật như đinh găm vào đầu. Mọi người càng không thể tưởng tượng ra bé gái mới 3 tuổi ở với mẹ đẻ (bố mẹ ly hôn) từ tháng 6/2021 đến nay nhiều lần bị nguy hiểm: Bé bị dị vật trong mũi; bị ngộ độc thuốc sâu phải cấp cứu; bị 3 đinh vít trong đường tiêu hóa; bị gãy tay,... Hiện tại cháu A. đang phải điều trị ở khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Ảnh chụp X-quang hộp sọ bé Đ.N.A. 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cho thấy có 9 vật thể nghi là đinh găm trong đầu.
Ảnh chụp X-quang hộp sọ bé Đ.N.A. 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cho thấy có 9 vật thể nghi là đinh găm trong đầu.

Với rất nhiều người, cảm xúc vụ án bé N.T.V.A. 8 tuổi (ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bị người tình của cha dùng roi mây, gậy gỗ dài đánh vào người trong nhiều giờ đến tử vong chưa thôi day dứt thì bây giờ lại tới việc bé Đ.N.A nghi bị bạo hành hết sức man rợ. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSSD) Nguyễn Phương Linh cho rằng: “Vụ việc lần này lại một lần nữa gióng lên cảnh báo cho chúng ta về việc trẻ em đang có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại trong gia đình mà chúng ta không phát hiện kịp thời. Ông nội của bé A. đã gọi điện đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111), đây là một hành động vô cùng hợp lý; nhưng giá như ông hay người thân, hàng xóm, những bên liên quan trong bảo vệ trẻ em phát hiện và gọi 111 sớm hơn thì các tổn hại của bé sẽ được giảm thiểu”.

Theo chuyên gia nghiên cứu về trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trực tiếp nhẽ ra là lá chắn đầu tiên bảo vệ an toàn cho con em. Tất cả những người xung quanh cũng đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Chúng ta vẫn nghe câu nói “cần cả làng để nuôi dưỡng một đứa trẻ” cũng là bảo vệ trẻ em; càng sớm càng tốt tất cả những người xung quanh, hàng xóm, cán bộ phụ trách trẻ em, các tổ chức xã hội... cần có nhận thức trong việc phát hiện các dấu hiệu trẻ bị bạo lực, xâm hại để báo cáo và xử lý hợp lý.

Cần sự giám sát của người không trực tiếp nuôi dưỡng

Vụ việc bé Đ.N.A nghi bị găm đinh vào đầu, nhiều người nhắc đến vấn đề của một gia đình ly hôn và sức khỏe tâm thân của những người trong gia đình sau ly hôn. “Không nói tới vụ này, tôi nghĩ đây là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức hơn. Ở một gia đình có các bất thường và thiếu cân bằng các chức năng, vai trò của các thành viên trong gia đình, chúng tôi vẫn gọi là “gia đình rối loạn chức năng” thì sức khỏe tâm thần của các thành viên cần được quan tâm” – bà Phương Linh cho hay.

Khu nhà trọ nơi bé Đ.N.A. và mẹ sinh sống. Ảnh: Internet.
Khu nhà trọ nơi bé Đ.N.A. và mẹ sinh sống. Ảnh: Internet.

Ly hôn không phải là khó khăn của các cặp vợ chồng, nó còn là một trải nghiệm tâm lý đau đớn và khó khăn đối với mỗi đứa trẻ; đẩy đứa trẻ vào việc thích nghi với môi trường khác. Từ quan điểm này, Chuyên gia Tâm lý giáo dục Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing Ngô Thị Sáng cho rằng: Dù bố mẹ có bất kỳ mâu thuẫn, khúc mắc hay hận thù gì dẫn đến việc ly hôn thì cũng phải ngồi lại thỏa thuận với nhau về cuộc sống tương lai của con. Và, dù bất cứ ai trong hai người nhận được quyền nuôi con thì phải tạo điều kiện giữ liên lạc với người còn lại. Chỉ có như vậy thì tổn thương trong con mới bớt đi; con mới thấy mình vẫn còn cả bố, mẹ và được yêu thương mình như trước.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, đối với những vụ án ly hôn thì sau khi ly hôn, con sẽ do cha hoặc mẹ nuôi dưỡng. Nếu cha hoặc mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng thì sẽ giao cho ông, bà và những người giám hộ khác. Trong quá trình nuôi dưỡng, nếu người thân trong gia đình phát hiện cháu bé bị bạo hành, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng và đề nghị thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.

“Trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại rất cao, kể cả trong trường hợp đang sống cùng cha mẹ. Đối với những trẻ em có cha mẹ ly hôn thì nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao hơn rất nhiều lần. Trong những vụ án ly hôn, để những đứa trẻ ít bị thiệt thòi nhất, cần phải có sự quan tâm, giám sát của những người không trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em” – luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo.

Về phía chuyên gia tâm lý Ngô Thị Sáng, với các cơ quan chức năng có liên quan, công tác giám sát việc nuôi con, chăm con hậu ly hôn cần được nâng cao và giám sát chặt chẽ hơn; có thể giao về cho đầu mối là các tổ dân phố, hội phụ nữ cấp xã/phường... Có như vậy mới ngăn chặn được kịp thời, không để những câu chuyện đau lòng về trẻ bị bạo hành tiếp tục xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần