Sách có tên “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” (On Earth We're Briefly Gorgeous) của Ocean Vương, tác giả người Việt Nam nổi tiếng ở văn đàn Mỹ, đang là Giáo sư của Đại học New York. Nhiều nhà phê bình văn học cũng cho rằng đây là sách có giá trị, việc đề cập đến tính dục trong sách hoàn toàn mang tính nghệ thuật…
Ý kiến trái chiều đang diễn ra với “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” nhưng sách đã bị thu hồi, chưa cho học sinh đọc. Người ta bàn lại về vấn đề phân loại sách cho phù hợp từng đối tượng, ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật. Tuy nhiên, điều đọng lại: trường quốc tế nói trên đã chú ý cho học sinh của mình đọc sách.
Nhắc lại chuyện đó để chúng ta quay trở về thực tại: có rất nhiều lý do để khiến trẻ hiện nay rất ít, thậm chí không đọc sách; văn hóa đọc đang mai một.
Một phụ huynh thế hệ 6x hồi tưởng: ngày còn đi học phổ thông đã đọc rất nhiều sách. Gia đình có sách gì là đọc sách ấy, hồi đó người lớn chưa nghĩ đến phân loại sách cho từng đối tượng. Do đó, anh hết đọc sách của Việt Nam, như: “Truyện cổ tích Việt Nam”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”... đến sách văn học Anh: “Cuộc đời của David Copperfield”, “Hội chợ phù hoa”...; Pháp: “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Những người khốn khổ”, “Bà Bovary”... và đặc biệt là văn học Nga: “Chiến tranh và hòa bình”, “Con đường đau khổ”, “Anna Karenina”, “Tội ác và trừng phạt”, “Hồi ký viết dưới hầm”...
Thậm chí, sách không còn để đọc, đọc luôn “Thần khúc” của Dante , “Sở từ” của Khuất Nguyên dù không hiểu gì cả. Có ngày, anh đọc đến 2 cuốn sách, mỗi cuốn khoảng 300 trang; nghĩa là đọc suốt ngày.
Trẻ em trong làng thường mượn sách của nhau để đọc. Quan trọng là giữ “uy tín”, trả sách đúng hẹn, không làm rách...
Dài dòng như vậy bởi thực tế trẻ bây giờ có lẽ không còn thời gian để đọc sách, những tác phẩm văn chương bồi đắp trí tưởng tượng.
Nếu như trẻ ngày xưa có trọn vẹn 3 tháng Hè để chơi và đọc sách thì trẻ ngày nay chỉ có vài ba tuần. Trẻ trước đây mỗi ngày chỉ đến trường 1 buổi. Trẻ em ngày nay học ngày 2 buổi ở trường; thời gian về nhà, ngoài việc ôn lại bài vở, học thêm tiếng Anh..., chúng chúi mũi vào điện thoại lướt mạng, xem những thứ vô bổ trên TikTok...
Một phụ huynh than: “Tôi cũng mua những cuốn sách đáng để chúng đọc như “Truyện cổ tích Việt Nam”, “Truyện cổ Grimm”, “Truyện cổ tích Andersen”, “Không gia đình”, “Hoàng tử bé”... nhưng hầu như chúng chẳng đọc”.
Vậy nên, việc trường quốc tế nói trên, mang sách về, giới thiệu và cho học sinh đọc sách là đáng quý. Có lẽ sách văn học là rất nhiều, nhà trường nên giới thiệu cho các em những cuốn kinh điển trước, những tác phẩm như “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” cần có thời gian để thẩm định. Các trường học tăng cường đầu sách hay cho thư viện, đặc biệt là giảm việc học thêm để dành thời gian cho các em đọc sách, khuyến khích, truyền cảm hứng cho chúng đọc...