Trẻ em rất cần sự lắng nghe của cha mẹ
Tại buổi tọa đàm “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero", được tổ chức ngày 10/7, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công việc lắng nghe, tiếp nhận và gỡ rối những tâm sự của lứa tuổi trẻ em, vị thành niên, Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình là điều rất phổ biến: “Có nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rằng, những mâu thuẫn họ gặp với bố mẹ ngày trước nay cũng lặp lại như vậy với con của mình. Cũng có nhiều bạn đã gửi thư đến tôi chia sẻ rằng: Tại sao bố mẹ không nghe con, Tại sao bố mẹ không tin con, Tại sao bố mẹ không hiểu con?...
Các diễn giả tham dự tọa đàm “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero". |
Chúng ta từng là trẻ con, từng bức xúc khi có những khúc mắc với cha mẹ, nhưng giờ lại gặp phải vấn đề đó với con mình. Điều này bắt nguồn từ tình yêu thương, tuy nhiên chính yêu thương khiến nhiều cha mẹ lo sợ quá, áp đặt, kìm kẹp con, quên mất việc lắng nghe con. Chúng ta nói muốn con được hạnh phúc, nhưng chỉ khi bố mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc được. Chính cách bố mẹ hạnh phúc với những gì đang có thì con mới có thể hạnh phúc. Nhiều người không biết rằng, đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự hiện diện, lắng nghe của bố mẹ mình”.
Bà Phan Thị Kim Liên - Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam đưa ra lời khuyên cha mẹ hãy quan tâm khi con trẻ có vấn đề. |
Để giải quyết mâu thuẫn của trẻ em trong mối quan hệ gia đình, bà Phan Thị Kim Liên - Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam đưa ra gợi ý: “Cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0, là không đáng gì vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Việc đầu tiên là cha mẹ hãy quan tâm khi con trẻ có vấn đề, phát hiện và hỗ trợ xem vấn đề của con là gì để cùng tìm hiểu và giúp đỡ con.
Sau đó, khi đã rõ về vấn đề thì mới xét đến chuyện bố mẹ cùng con xử lý mâu thuẫn hay để con tự xử lý. Cha mẹ hãy xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái bằng những hành động nhỏ như việc nói lời yêu thương, lời xin lỗi, hỏi thăm. Những việc làm như thế tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có tác động rất phi thường vì sẽ tạo nên sự thân thiết, niềm tin của con cái với bố mẹ, là động lực lớn với trẻ.”
Yêu thương và tôn trọng - chìa khóa đồng hành cùng con
Ngoài những mâu thuẫn trong gia đình, trẻ em có thể gặp phải những vấn đề ở bên ngoài như trường lớp, bạn bè và trên mạng internet. Về vấn đề này, nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh: “Trong khi nhiều cha mẹ coi chuyện của con là “chuyện trẻ con”, một số người lại xem những chuyện nhỏ của con là “chuyện người lớn”, dẫn đến việc hành xử, xử lý vấn đề không sáng suốt. Khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn bằng thái độ bực tức, nóng nảy, lời lẽ không phù hợp hay thậm chí dùng bạo lực thì liệu các con sẽ học được điều tốt đẹp gì? Con cái chính là bản sao, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chúng ta”.
Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: Yêu thương và tôn trọng chính là chìa khóa đồng hành cùng con. |
Từ đây, ông Hoàng Anh Tú khuyên cha mẹ cần để tâm đến con cái, đừng để mất sợi dây kết nối với các con. “Chỉ khi thật sự để tâm, cha mẹ mới có thể nhận thấy những vấn đề con cái đang phải đối mặt, ngay cả khi chưa được nói ra. Từ đó gia đình sẽ không chỉ đơn thuần là "nơi trú ẩn an toàn" mà còn nuôi dưỡng tình thương yêu, trang bị kỹ năng để trẻ phát triển toàn diện nhất. Yêu thương và tôn trọng con chính là chìa khoá đồng hành cùng con” – ông Hoàng Anh Tú giải thích.
Từ thực tế, trong bối cảnh phực tạp của đại dịch Covid-19, việc học trực tuyến dần trở nên quen thuộc với trẻ em. Trẻ em cũng được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ internet, ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ, hành động và thái độ. Một biểu cảm, một bình luận vô tình trên mạng xã hội đều có thể trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn. Từ nhận định này, bà Phan Thị Kim Liên cho rằng mâu thuẫn trên môi trường mạng đôi khi phức tạp và khó xử lý hơn ngoài đời thực rất nhiều vì không chỉ xoay quanh hai người mà còn có sự tham gia của những người sử dụng internet khác. Thậm chí, đôi khi chính con mình cũng sẽ là người bắt nạt, khơi mào và tham gia những “cuộc chiến" trên mạng xã hội.
Trong hoàn cảnh đó, cha mẹ không nên bức xúc, chỉ trích con cái. Cha mẹ hãy tìm hiểu vì sao con muốn nói xấu bạn, đánh bạn; khuyên con không nên tham gia vào những cuộc cãi vã. Cách hỏi con cũng rất quan trọng, giọng điệu cũng sẽ quyết định đến chuyện thể hiện thái độ của cha mẹ như thế nào. Cha mẹ khi đồng hành cùng con cái, nên giáo dục con cư xử văn minh trên môi trường mạng.”
Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Khuất Văn Quý khuyên cha mẹ xây dựng đời sống số chuẩn mực để truyền động lực cho con trở thành người dùng internet văn minh. |
Với tư cách là nhà quản lý, Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Khuất Văn Quý gợi ý, nếu muốn thực sự đồng hành cùng con, cha mẹ hãy đặt bản thân ngang hàng với trẻ thì trẻ sẽ thoải mái chia sẻ những vấn đề của bản thân cả ngoài đời thực và trên môi trường mạng.
Và, để làm bạn và đồng hành cùng con trên môi trường mạng, cha mẹ hãy giữ hình ảnh của bản thân không phản cảm, tiêu cực; tương tác, bình luận với con và bạn của con; tìm hiểu những chương trình, ứng dụng trên mạng mà con thích; học hỏi ngôn ngữ mà độ tuổi con hay sử dụng, tâm sự với con về những việc nên làm hay không nên trên mạng. Quan trọng hơn cả, chính cha mẹ cũng cần xây dựng đời sống số chuẩn mực để truyền động lực cho con trở thành người dùng internet văn minh.