Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trẻ em như búp trên cành”

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bác Hồ đã dạy: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Để bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, ngày 5/4/2016, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Trẻ em quy định 25 nhóm quyền.

Trẻ em có quyền được sống, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, được tiếp cận thông tin... Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; quyền của trẻ em được thực hiện tốt hơn cũng như những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp. Bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước vẫn còn. Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” được trình bày trong phiên họp Quốc hội ngày 27/5/2020, cho thấy: Từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.809 trẻ em bị xâm hại. Chỉ cách đây vài ngày, dư luận cả nước phẫn nộ khi một người cha ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trang) trói tay, đánh đập tàn nhẫn con ruột 6 tuổi vì cho rằng bé lấy gạo đổ vào cát để nghịch. Trước đó, đầu tháng 4/2020, khi cả nước đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19 thì bàng hoàng đau xót biết tin bé gái 3 tuổi ở phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) bị bố dượng và mẹ đẻ thường xuyên đánh đập không cần có lý do khiến bé bị tử vong do chấn thương sọ não...

Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống; không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em... Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước nhưng những năm qua các địa phương chưa dành nhiều kinh phí và sự quan tâm cho việc thực hiện quyền và bảo vệ trẻ em. Bởi vậy, những người quan tâm đến trẻ em đã rất mừng khi Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện công tác này. Đồng thời, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, phường; để trẻ được bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của mình. Các địa phương cũng phải kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em.

Mặc dù yên tâm khi Thủ tướng giao cho từng bộ, ngành những nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền và bảo vệ trẻ em. Nhưng quan trọng vẫn là hành động, xã hội kỳ vọng sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các bộ, các cấp, các ngành nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bảo đảm quyền của trẻ em, bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ để xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em.