Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ em Việt đang “đói” vi chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo chiều 12/10 về “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển”, Viện Dinh dưỡng đã công bố số liệu mới nhất về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em.

Theo đó, tỷ lệ thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu sắt cũng như vitamin A của trẻ em Việt Nam ở mức quá cao, ảnh hưởng đến trí tuệ, chiều cao và giống nòi của người Việt.

Trẻ còi xương, kém phát triển

Cuộc điều tra tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng khảo sát tại 36 xã, phường của 9 tỉnh, thành trên toàn quốc từ tháng 10/2014 - 10/2015, trong đó có Hà Nội. TS Trần Thúy Nga – Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng nêu con số cảnh báo, có đến 27,8% trẻ em bị thiếu máu, 63,6% trẻ bị thiếu sắt, 13% trẻ thiếu vitamin A, riêng tình trạng thiếu kẽm lên đến 69,4%. Theo số liệu này, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độ giảm rất chậm, trong đó tỷ lệ trẻ thiếu vitamin A chưa đạt mục tiêu quốc gia đề ra năm 2015. “Thiếu máu, thiếu sắt làm chậm phát triển nhận thức, giảm phát triển trí tuệ ở trẻ em. Thiếu máu, thiếu sắt làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong đối với bà mẹ mang thai. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi của Việt Nam cao (gần 1/3 trẻ bị thấp còi) là một chỉ số phản ánh tình trạng thiếu kẽm trầm trọng” - TS Nga nhấn mạnh.
Khám, tư vấn bổ sung vitamin cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Khám, tư vấn bổ sung vitamin cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nguyên nhân thiếu vi chất, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho rằng, trong mỗi bữa ăn, người Việt thường ăn theo ý thích mà không biết mình cần bổ sung gì. Đa phần mọi người đều “đói” ít nhất một vi chất dinh dưỡng. “Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là “bệnh dịch âm thầm” hay “nạn đói tiềm ẩn” bởi cơ thể không cảm nhận được sự thiếu hụt này” - TS Mai thông tin thêm. Cũng theo TS Mai, khi đến khám dinh dưỡng, nhiều bà mẹ phàn nàn chuyện con biếng ăn và hay mắc bệnh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do thiếu hụt vi chất kẽm.

Cần ăn đa dạng thực phẩm

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, TS Mai cho biết, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp quan trọng. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, không có giải pháp đơn lẻ nào có thể phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng một cách hữu hiệu và bền vững.

Đề cập đến câu chuyện ăn uống, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho rằng, nhiều người chủ yếu chỉ ăn đủ bột - đường - béo - đạm, mà ít quan tâm đến vi chất, cho đến khi phát hiện mình thiếu thì đã đổ bệnh. Một nghịch lý là người ta có thể ăn no bụng, no về mặt năng lượng nhưng chưa đủ về mặt chất lượng, vi chất, chưa đủ những chất tuy rất nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn. Tình trạng xảy ra ở tỷ lệ cao trong cộng đồng nên được gọi ví von như là “nạn đói”. Nhưng “nạn đói” này xảy ra không hẳn do thiếu lương thực mà chủ yếu do thiếu kiến thức dẫn đến ăn uống thiếu khoa học.

TS Lâm khuyến cáo, để cải thiện tình trạng đói vi chất, cần ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vi chất bao gồm rau, củ, quả và chất đạm có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng...). Tiêu thụ thực phẩm đa dạng là biện pháp cơ bản nhất. Ngoài ra, cũng còn một cách để đảm bảo đủ vi chất, đó là sử dụng các loại thực phẩm được bổ sung vi chất. Việc bổ sung này là cần thiết đặc biệt đối với một số loại vi chất mà chế độ ăn thông thường không thể đủ cung cấp, ví dụ như bổ sung i-ốt vào muối, nước mắm, bổ sung vitamin A vào đường, dầu ăn, bổ sung sắt, kẽm vào bột dinh dưỡng trẻ em...
Hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới, Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 - 23/10/2015 với thông điệp: “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”.