Cũng như ở người lớn, trẻ em Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2013, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì cả nước là 6,5%, trong đó Hà Nội và thành phố HCM cao đến 15,76%. Đặc biệt, ở lứa tuổi tiểu học tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều.
Béo phì là nguy cơ lớn
Hiện nay, khi mức sống tăng lên, khi thực phẩm quá dồi dào; béo phì thật sự là mối nguy cơ, lo lắng lớn đối với sức khỏe. Trong y tế có câu ví von " vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn" (longer the belt, shorter the life). Như vậy: "béo là xấu" và "mập không là mạnh". Để chỉ những hệ lụy do béo phì, dân gian lại ví “Ngày xưa to bụng là sang. Ngày nay to bụng mỡ gan, đái đường”.
Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch,
tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược sinh dục... Ảnh: Phú Đình
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì được coi là một bệnh mãn tính, nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thừa cân như yếu tố môi trường, xã hội và cả yếu tố di truyền, nhưng đa phần là do mất cân bằng giữa ăn vào và tiêu hao nôm na là thừa ăn.
Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược sinh dục...
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia hiện nay cho thấy tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%.
Chiều cao người Việt còn hạn chế
Theo công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng Việt Nam tháng 6/2013, chiều cao của người Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp. Trong khi trung bình của thế giới: nam 18 tuổi là 176,8cm và nữ là 163,7cm, thì chiều cao thanh niên Việt Nam nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn chuẩn 13,1cm và nữ chỉ đạt 153cm, kém hơn chuẩn là 10,7cm. So với thanh niên các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên nước ta đều thấp hơn từ 6 đến 10cm.
Các yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao: chế độ dinh dưỡng 32%, vận động thể dục thể thao 20%, môi trường tâm lý và xã hội 16% và yếu tố chủng tộc di truyền 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) là những yếu tố “ cải tạo được” (modifiable).
Trẻ em Việt Nam đang “vuông”
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia: “Cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em thay đổi cả về lượng và chất, đã có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và chất béo. Điều này, làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì bị béo. Cũng theo thống kê của viện, có một điều báo động là có đến 15% bà mẹ không biết con mình thừa cân và 30% biết nhưng không quan tâm đến việc giảm cân cho trẻ.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nguy hiểm, cần hết sức lưu tâm là: phát triển chiều cao kém và tỷ lệ béo phì ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ sẽ bị “vuông” (larger and shorter), như nhiều nhà dinh dưỡng nhận định.
Hơn 90% trường hợp thừa cân béo phì có nguyên nhân nguyên phát chủ yếu từ môi trường, cách nuôi dưỡng, một số rất ít do các nguyên nhân thứ phát như: di truyền, nội tiết, thần kinh, thuốc...
Những lý do dinh dưỡng làm trẻ thừa cân béo phì: Trẻ bú bình sớm do mẹ đi làm; phụ huynh ép ăn vì sợ bị “suy dinh dưỡng”; tư tưởng “mập mới mạnh”; Công nghệ chế biến và quảng cáo thức ăn nhanh; môi trường sống chật hẹp, hạn chế vui chơi, vận động, nhiều phương tiện giải trí “ít vận động” như game, ti vi, internet...
Cải tạo lối sống lành mạnh, chế độ ăn và chế độ vận động, là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe cho con em chúng ta!