Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ hóa di tích quốc gia chùa Đậu (huyện Thường Tín): Làm rõ hành vi cố tình vi phạm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12 và 13/4, báo Kinh tế & Đô thị liên tục có những bài viết, hình ảnh phản ánh tình trạng trẻ hóa di tích 2.000 tuổi – di tích quốc gia chùa Đậu. Chiều ngày 13/4, Bộ VHTT&DL đã tổ chức đoàn kiểm tra nhằm xác định và làm rõ những nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí về công trình xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích chùa Đậu.

Đoàn kiểm tra của Bộ VHTT&DL tại Tam quan chùa Đậu vào chiều ngày 13/4. Ảnh: Thanh Loan
Xác định ranh giới cần bảo vệ
Khác với lần ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều ngày 8/4 tại di tích, lối cũ vào di tích đã được tháo hàng rào tôn, dọn đống gạch chắn ngang, trả lại lối đi cũ cho di tích. Nhưng theo ghi nhận trước đó, cùng với việc phản ánh của báo chí, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cũng nhận định việc mở đường dẫn từ bãi đỗ xe vào chùa là hành động điều chỉnh lối vào của di tích. Ngoài ra với hạng mục Tam quan, hai trụ biểu được sơn xám, bóng loáng; nhà chùa cùng các đơn vị tu bổ khẳng định báo chí có phần “quá lời” khi phản ánh. Song, đứng dưới góc độ quản lý di sản ông Trần Đình Thành cho rằng: “Việc phản ánh của báo chí và các chuyên gia là có cơ sở”. Vì công trình tu bổ này vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, nên ông Thành đề nghị sau cuộc kiểm tra này, Sở VH&TT Hà Nội cùng các cơ quan chuyên môn cần có đánh giá lựa chọn sơn mộc cùng tông màu phù hợp hơn với di tích.

Tại buổi làm việc, sau khi xác định phạm vi bảo vệ di tích, đoàn kiểm tra đã đánh giá công trình với tên Giảng đường theo sơ đồ của chùa là công trình xây mới, xây dựng không phép, vi phạm Luật Di sản. Mặc dù trước đó, có ý kiến cho rằng nhà Giảng đường được xây dựng trên đất ao, ruộng trước đó, nhưng khi đoàn kiểm tra đối chiếu với hồ sơ xếp hạng di tích năm 1964, cùng hồ sơ địa chính xác lập năm 1993 thì công trình nằm trong vùng bảo vệ 2 của di tích. Chưa kể, công trình chỉ cách Tam bảo, nhà Tiền đường, nhà Tổ - các hạng mục di tích cổ một bức tường. Với kết cấu cột thép cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói Tây đã ảnh hưởng đến không gian và khuôn viên di tích.

Đối với 3 hạng mục được xem là hoành tráng, bê tông hóa gồm: Tháp quan âm, Bảo tháp mạn đà la, Thủy đình di lặc… thì chưa xác định có nằm trong vùng bảo vệ di tích hay không. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín, Hà Nội) Nguyễn Trường Xuân: Đây là phần đất ruộng được sư trụ trì mua lại của bà con Nhân dân để mở rộng không gian di tích. Mặc dù, chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở sư trụ trì cần thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng nhà chùa vẫn làm ngơ, tiếp tục xây dựng. Ông Trần Đình Thành cho rằng, dù chưa xác định công trình có nằm trông mốc giới bảo vệ di tích hay không, nhưng theo quy định của Luật Di sản, với những công trình xây dựng nằm sát với di tích đã xếp hạng vẫn phải có ý kiến của ngành văn hóa, để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh của di tích.
 Cổng vào liền kề tả vu được xây dựng sai phạm khi chưa có ý kiến của ngành văn hóa 
Chính quyền cần quyết liệt hơn

Dư luận từng đặt ra câu hỏi, tại sao ở một di tích cấp quốc gia được phong là “đệ nhất danh lam”, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km lại dễ dàng để xảy ra những vi phạm như vậy. Trong báo cáo của UBND xã Nguyễn Trãi thực hiện hồi tháng 4/2021 đã thể hiện: Từ tháng 9/2019 qua phản ánh của người dân địa phương, chính quyền đã nắm được sư trụ trì chùa Đậu chuẩn bị khởi công ngôi nhà bằng khung tôn, xã đã cử cán bộ văn hóa xã hội xuống chùa Đậu kiểm tra thực tế xác định đây là công trình xây dựng trái phép. UBND xã đã tổ chức lập biên bản khi nhà chùa khởi công móng, yêu cầu dừng thi công nhưng nhà Giảng đường vẫn được dựng lên như hiện nay mà chưa có phép.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, quyền trụ trì chùa Đậu, Đại đức Thích Quang Minh cho rằng, mọi việc làm của nhà chùa là vì phục vụ nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân. Vào mùa lễ hội, mùa thi, mỗi ngày di tích chùa Đậu đón hàng nghìn khách tham quan, lễ bái, để tiện phục vụ cho việc sắp lễ, chỗ ngồi nghỉ hay đỗ đậu xe… nên sư tổ của Đại đức Thích Quang Minh là Thượng Tọa Thích Thanh Nhung đã cho xây dựng công trình như hiện nay. “Chúng tôi khẳng định nhà chùa không xây dựng để nhằm mục đích kinh doanh tôn giáo” – Đại đức Thích Quang Minh cho biết.

Lắng nghe tất cả những ý kiến bày tỏ của sư trụ trì, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định, Nhà nước, các cơ quan của ngành văn hóa luôn đồng hành với nhà chùa, sư trụ trì để bảo vệ di sản. Tâm nguyện để phục vụ tốt hơn cho người dân hành lễ là điều đáng ghi nhận, nhưng nhà chùa cũng như cơ quan quản lý phải có trách nhiệm gìn giữ văn hóa của dân tộc, chỗ nào chưa phù hợp có thể bàn thảo, xin ý kiến, không thể tự ý thực hiện làm ảnh hưởng đến di tích gốc. “Khi can thiệp vào ngôi chùa cổ, có thể nhà chùa hay chính quyền địa phương chưa nhận ra mức độ ảnh hưởng. Báo chí và các nhà chuyên môn lên tiếng là họ có cái lý chính đáng nhằm bảo vệ giá trị gốc của di sản” – ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Hiện nay, theo đề xuất của UBND huyện, Hà Nội đã xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL trình Chính phủ công nhận chùa Đậu là di tích quốc gia đặc biệt. Nhưng theo quan điểm của Đoàn kiểm tra, thì những vi phạm lần này sẽ ảnh hưởng đến quá trình xem xét của Hội đồng Di sản quốc gia. “Sau buổi kiểm tra, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có những bàn thảo đánh giá, xác minh tính chất, mức độ sai phạm. Thanh tra Bộ, Cục Di sản Văn hóa sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ có biện pháp xử lý kịp thời, trên tinh thần cùng với địa phương, nhà chùa tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị di sản” – Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Trần Kim Hậu khẳng định.

Quá trình tu bổ, sai phạm tại di tích đã có từ nhiều năm trước. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chưa xử lý được dứt điểm. Các biện pháp tuyên truyền vận động thuyết phục đều đã được triển khai, nhưng chúng tôi đều không tìm được sự đồng thuận với nhà chùa.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy
Tôi có thể khẳng định 80% du khách đến đây là thực hành tín ngưỡng tôn giáo tâm linh, 20% còn lại là tham quan kiến trúc, không gian kiến trúc. Nhìn bà con đến đông, khuôn viên chùa không đủ khang trang để đón tiếp chúng tôi cảm thấy áy náy.

Quyền trụ trì chùa Đậu, Đại đức Thích Quang Minh