Trẻ khuyết tật cùng bạn vượt qua thiên tai

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trẻ em, trẻ khuyết tật đã được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai. Các em cùng người thân đã biết cách chủ động phòng tránh và xử lý khi thiên tai ập đến.

Trẻ em tham gia phòng chống thiên tai

Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. NKT, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, là nhóm dễ bị tổn thương trước, trong, và sau thiên tai.

Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai có sự tham gia của người khuyết tật đã hỗ trợ cho trẻ em được trang bị các kiến thức về phòng chống thiên tai. Ảnh: AAV.
Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai có sự tham gia của người khuyết tật đã hỗ trợ cho trẻ em được trang bị các kiến thức về phòng chống thiên tai. Ảnh: AAV.

Bởi vậy sự tham gia của NKT và người thân trong quản lý rủi ro thiên tai sẽ góp phần tăng khả năng ứng phó và phục hồi cho cả cộng đồng. Mặt khác, Công ước Quốc tế về quyền của NKT, Luật NKT Việt Nam đều cam kết áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn và bảo hộ NKT trong tình trạng nguy hiểm, rủi ro, bao gồm: Xung đột vũ trang, tình trạng khẩn cấp và nhân đạo trong thiên tai. NKT còn được bảo đảm thực hiện quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.

Nhiều năm nay, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) là vùng thường xuyên có bão lũ, sạt lở, hạn hán. Với mong muốn hỗ trợ trẻ em - đặc biệt là trẻ em khuyết tật - có khả năng tự chủ trong việc phòng chống rủi ro thiên tai, từ năm 2018, Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Tổ chức Phát triển quốc tế (CBM) và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã triển khai Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai có sự tham gia của NKT tại 3 xã thuộc huyện Nho Quan. Chương trình hướng đến nâng cao năng lực để NKT hòa nhập cộng đồng, tham gia đánh giá rủi ro thiên tai. Trong dự án, NKT đóng vai trò quan trọng trong tham gia truyền thông và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, huấn luyện cách sơ tán khi có bão lũ, sạt lở, động đất.

Chương trình đã tổ chức nhiều buổi tập huấn phòng chống thiên tai tại các trường Tiểu học và THCS của 3 xã thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: AAV.
Chương trình đã tổ chức nhiều buổi tập huấn phòng chống thiên tai tại các trường Tiểu học và THCS của 3 xã thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: AAV.

Chương trình đã tổ chức nhiều buổi tập huấn phòng chống thiên tai tại các trường Tiểu học và THCS của 3 xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Thạch Bình. Ngoài việc được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai, các em và thầy cô còn trực tiếp tham gia diễn tập ngay tại trường trong các kịch bản ứng phó khi thiên tai ập đến. Các em học sinh, học sinh khuyết tật đã nhận dạng được các loại thiên tai: Mưa bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, dông sét và lốc. Học sinh cũng được trang bị kiến thức và kỹ năng giảm thiểu rủi ro. Chương trình khuyến khích các em báo cho bạn khuyết tật biết thông tin về thiên tai sắp xảy ra, đưa bạn đến nơi trú ẩn an toàn có tiếp cận với NKT và hỗ trợ bạn khi cần.

Trẻ em giúp bạn khuyết tật di chuyển đến nơi an toàn

Trải nghiệm những hoạt động của Chương trình, nhiều em học sinh rất hào hứng và hăng hái. “Em rất thích chương trình này vì nó bổ ích và thiết thực trong đời sống. Em đã hướng dẫn các em nhỏ biết cách phòng tránh khi có bão” – một em học sinh tham gia Chương trình chia sẻ.

Các em học sinh rất hào hứng và hăng hái khi được hướng dẫn phòng tránh thiên tai. Ảnh: AAV. 
Các em học sinh rất hào hứng và hăng hái khi được hướng dẫn phòng tránh thiên tai. Ảnh: AAV. 

Là người trực tiếp tham gia vào Chương trình, Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Nho Quan Đinh Thị Hường khẳng định: “Chương trình đã mang lại kết quả hết sức cụ thể. Trước đây người lớn và trẻ em rất bị động, không hề biết phải làm gì khi có bão lũ. Đến nay, chúng tôi rất vui vì khi loa phát thanh của xã thông báo sắp có mưa bão, trẻ em đã nhanh chóng sắp xếp sách vở của mình lên chỗ cao để không bị ướt; rút hết các dây cắm, thiết bị điện của ti vi, máy tính, điện thoại ra khỏi ổ cắm. Các em biết cách giúp người thân chằng chéo nhà cửa cho chắc chắn, dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết; hỗ trợ người già và bạn khuyết tật di chuyển đến điểm tránh trú an toàn...Vì thế, khi bão tan, nhà trường cho học sinh đi học trở lại thì không còn tình trạng sách vở bị ướt nhèm như những năm trước.”

Trẻ em giúp bạn khuyết tật di chuyển đến nơi an toàn để tránh trú thiên tai. Ảnh: AAV. 
Trẻ em giúp bạn khuyết tật di chuyển đến nơi an toàn để tránh trú thiên tai. Ảnh: AAV. 

Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai có sự tham gia của NKT đã giúp cho người dân trên địa bàn các xã, đặc biệt là NKT, trẻ em khuyết tật nâng cao rõ rệt nhận thức và giải pháp chủ động phòng chống thiên tai (PCTT). “Trước đây, Ban Chỉ huy PCTT của xã không có thành viên là NKT. Sau khi tham gia Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT của xã có 1 thành viên là NKT. NKT đã có nhìn nhận đúng về những việc phải làm khi thiên tai xảy ra, và chúng tôi trân trọng tiếng nói của họ” – Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) Đinh Trung Kiên cho hay.

Ông Đinh Trung Kiên cũng nhấn mạnh, trong công tác PCTT, NKT, trẻ em khuyết tật rất được quan tâm. Thông qua chương trình, các dịch vụ tiếp cận NKT đối với trẻ em được đáp ứng cơ bản theo đúng tiêu chuẩn, quy trình quốc tế, ví dụ như đường đi lên nhà tránh trú, công trình vệ sinh có đảm bảo cho NKT sử dụng được.

Người dân Thạch Bình, Nho Quan rất vui vì từ nay NKT và trẻ em khuyết tật của xã đã hiểu biết hơn và chủ động hơn trước và trong thiên tai. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều địa phương áp dụng và nhân rộng mô hình thành công của Dự án, sao cho ngày càng có thêm nhiều NKT và trẻ em khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn, an toàn hơn và chủ động hơn.